Thứ Ba, 5 tháng 4, 2011

Hoàng Hữu Xứng (1831-1905), và Thực lục

Hoàng Hữu Xứng (1831-1905), và Thực lục
------------------------------------------------
Trần Xuân An
---------------------------
http://chimviet.free.fr/lichsu/tranxuanan/txa_hoanghuuxung_thucluc.htm

Quảng Trị, vốn là nơi đóng dinh thời Nguyễn Hoàng mở cõi và sau đó, từng là một phần kinh sư của vương triều Nguyễn. Trên vùng đất này, dòng họ Hoàng ở làng Bích Khê, huyện Triệu Phong đã có nhiều đóng góp để làm rạng rỡ quê hương. Dẫu vậy, phải đến Hoàng Hữu Xứng (1831-1905), vị tổ đời thứ 13, trở đi, họ Hoàng ấy mới thật sự có nhiều người còn lưu lại tên tuổi trong sử sách. Tuy nhiên, bản thân sự nghiệp vị tổ khai sáng họ tộc - Hoàng Hữu Xứng - vẫn còn ít nhiều những tranh luận trên sách báo hiện nay. Cũng cần phải nói ngay rằng, sở dĩ còn tồn tại những ý kiến này nọ là bởi hai nguyên nhân: Thứ nhất, dư luận dân gian không xác đáng khởi xuất từ những bài thơ, truyện thơ nặc danh hoặc có tác giả thì tác giả ấy (Nguyễn Văn Giai, tục gọi Ba Giai) vốn không am hiểu tường tận, lại thiên kiến, quen nếp đả kích. Thứ hai, bản thân Hoàng Hữu Xứng vừa là một nhân vật lịch sử lại vừa là phó tổng tài Quốc sử quán khi chỉnh lí kỉ Tự Đức (1947-1883), biên soạn kỉ Kiến Phúc (1883-1885), về hưu vào năm 1900, và còn sống sau khi kỉ Kiến Phúc đã được khắc in, đưa vào kho sử, lưu hành trong nội bộ triều đình, hoàng tộc (1902).

Nguyên nhân thứ nhất, thiết tưởng không cần bàn luận nhiều, vì các bài thơ, truyện thơ ấy vốn thuộc lĩnh vực văn chương nghệ thuật không được bảo chứng bằng tư liệu. Đó không phải là sử học. Sử học là một lĩnh vực cần đến rất nhiều tư liệu và phải là các tư liệu được khảo chứng, có giá trị. Thứ đến, lại là một nguyên nhân nẩy sinh từ sự không am hiểu phương thức biên soạn tập thể của Quốc sử quán. Đó là phương thức mà mọi tư liệu đều được khảo chứng, thẩm định và mọi chi tiết thuật sự đều được bàn luận, cân nhắc bởi hàng vài ba chục người, lại trải qua nhiều tập thể sử quan.

Để sáng tỏ hơn, chúng ta thử xem Quốc sử quán đã viết về Hoàng Hữu Xứng như thế nào. Cụ thể hơn, trong "Đại Nam thực lục" (gọi tắt là Thực lục) (*), hành trạng của ông có phải đã được ghi chép lại chỉ theo một chiều hướng đề cao, ngợi ca? Rõ ràng không phải vậy. Như mọi người khác, Hoàng Hữu Xứng dĩ nhiên vẫn có những ưu điểm cùng với những hạn chế khác. Có điều, ưu hay khuyết nhược điểm được ghi chép vào Thực lục đều là những gì đã được triều nghị, đã được chính bản thân vua Tự Đức hay các vua sau đó ban dụ, hoặc chí ít cũng căn cứ vào những bản tấu của các vị đại thần có uy tín rõ rệt, và chính những bản tấu ấy cũng đã được chính nhà vua châu phê (nên gọi là châu bản).

I. Trước khi mất nước (7-1885): vị quan đáng kính

1. Vị quan mẫn cán và thanh liêm:

Về mặt ưu điểm, sự mẫn cán của Hoàng Hữu Xứng thể hiện ở chỗ ông đặc biệt có tài điều tra các vụ án. Chính vì tài Bao Công này, nên suốt đời làm quan của ông đã có nhiều giai đoạn ông được giao phó phụ trách Đô sát viện (1). Sự mẫn cán của ông còn thể hiện ở thời điểm ông cùng đồng sự đã được vua Tự Đức khen thưởng là mặc dù đảm đương những khối lượng công việc nặng nề nhưng vẫn xử lí một cách tinh tường, nhanh chóng (2).

Thanh liêm cũng là một đức tính thuộc vào loại ưu điểm của Hoàng Hữu Xứng. Phạm Phú Thứ đã có lần tìm hiểu ý dân ở Thanh Hoá và tâu về triều như vậy (3).

2. Nhân vật lịch sử chống ngoại xâm:

2a. - Thực thi chính sách "cấm đạo": Quốc sử quán đã chép trong Thực lục như sau: "Tỉnh Bình Định bắt được tên đạo trưởng người Tây dương tên là Y-ty-Anh. Các quan tỉnh, huyện đều được thưởng gia một cấp và tiền vàng, tiền bạc có thứ bậc khác nhau ([...] đi đốc bắt là quyền huyện Tuy Viễn Hoàng Hữu Xứng, được thưởng tiền "Triệu dân" bằng bạc hạng lớn, hạng nhỏ mỗi thứ đều năm đồng [...])"(4). Cũng vụ việc ấy, ở đoạn khác, được ghi chi tiết hơn: "Duy Hữu Xứng khi làm quyền huyện, tiết thứ bắt được một người đạo trưởng người Tây dương và bốn người đạo trưởng người nước ta và bọn người theo đạo cùng là đồ dùng ở nhà thờ đạo, giải nộp để xét" (5). Phải nói là Quốc sử quán rất trung thực, vì lưu lại một thành tích như thế dưới thời thực dân Pháp và bộ phận tả đạo Thiên Chúa giáo (không vơ đũa cả nắm) đã thống trị đất nước ta, là trở thành tì vết, thậm chí có thể rơi vào nguy cơ bị trả thù, ít ra cũng bị "trù yếm". Cũng có thể kể thêm về vai trò của Hoàng Hữu Xứng trong vụ đánh dẹp cả "dữu dân" thuộc cố đạo Pháp lẫn lực lượng "sát tả" của Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình (6). Đây là trường hợp Hoàng Hữu Xứng và đồng sự đã bị rơi vào hai gọng kìm thù oán, nhưng Quốc sử quán vẫn ghi lại.

2b. - Đối phó với phỉ Tàu: Thời đoạn những năm 60 của thế kỉ XIX, nước ta phải đối phó với bọn Tàu đã biến tướng thành phỉ, tràn sang xâm chiếm đất đai, dân cư để xưng hùng xưng bá, mặc dù triều đình đã hết sức vỗ yên, cho phép tự giải giáp để làm ăn sinh sống. Năm 1869, Hoàng Hữu Xứng là biện lí Bộ Binh, rất tích cực trong việc xử lí các việc quân từ các quân thứ tâu về, và được vua khen thưởng, như đã nói trên (2). Nhưng khi ông trấn nhậm tại tỉnh Thanh Hoá, với chức trách quan văn (bố chánh), lại bị khiển trách chung với đồng sự. Quốc sử quán chép lại nguyên văn bản dụ của vua Tự Đức, lời lẽ rất thậm tệ: "Trước phái đi đánh dẹp, chưa thấy có tình trạng gì khó, bèn thác là lương hết, quân tan, đều đem quân rút về quân thứ, thực là hèn nhát quá lắm" (7). Xin nhớ rằng, dụ của vua, không ai có quyền xuyên tạc, thêm bớt! Giả định như Quốc sử quán có thiên vị với Hoàng Hữu Xứng, họ chỉ cần thêm vào vài dòng diễn giải, để làm nhẹ tội đi, nhưng trong Thực lục vẫn chỉ như vậy.

2c.- Tinh thần chống Pháp: Giữ khí tiết và linh hoạt ứng phó trong sự kiện thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai: Với quan điểm lịch sử - cụ thể, chúng ta đều biết rằng, chống sự xâm nhập của tả đạo Thiên Chúa giáo (không phải Thiên Chúa giáo mọi thế kỉ, mọi nước), lúc bấy giờ, là chống thực dân Pháp, chống thực dân Tây Ban Nha. Nhưng ở thời điểm 1882, lúc Hoàng Hữu Xứng làm tuần vũ Hà Nội, ông mới thực sự cùng đồng sự vạch ra phương án phòng thủ (8), trực tiếp chiến đấu với giặc Pháp. Đây là trường hợp ông bị Ba Giai chê bai, châm biếm một cách đầy thiên kiến. Tuy nhiên, sự thật đó, Thực lục chép nguyên văn như sau: "... Diệu uỷ án sát Tôn Thất Bá ra ngoài thành để thương thuyết, Bá vừa ra khỏi thành, quân Pháp đã bắn ngay. Diệu cùng tuần phủ Hoàng Hữu Xứng chia đường đốc thúc quân lính chống đánh rất lâu, quân ta và quân Pháp đều có bị thương và chết. Chợt thấy kho thuốc súng phá, quân ta rối loạn, quân Pháp bắc thang lên thành, thành bèn bị mất (chống nhau tự giờ mão đến giờ mùi mới mất). Diệu đi lẫn vào trong đám quân hỗn loạn, một mình đến trước đền Quan Công (ở ngoài tường ngăn trong thành), thắt cổ ở dưới gốc cây to. Đề đốc Lê Văn Trinh, bố chính Phan Văn Tuyển, lãnh binh quan Lê Trực, phó lãnh binh quan Hồ Văn Phong, Nguyễn Đình Đường đều chạy cả. Ngay lúc ấy Hữu Xứng đi tìm hỏi Diệu, không biết Diệu ở đâu, bèn vào thềm bên tả hành cung, bỗng bị phái viên nước Pháp bắt giữ (Phái viên nước Pháp muốn lấy lễ độ dụ Xứng. Xứng không chịu khuất phục, chửi mắng hắn, cũng không bị giết. Rồi sai đem Xứng về dinh tuần phủ cũ giam lại). Sau rồi phái viên nước Pháp đón Bá về (Bá chạy đến xã Nhân Mục) giao tỉnh thành cho. Bá vào thành cùng với Xứng. Xứng có bàn tạm nhận (Lúc ấy, Xứng đã nhịn ăn thành ốm. Bá mời vào, Hữu Xứng lại [từ] chối ngay. Bá hai lần khóc, nói sự lợi, hại. Xứng lại nghĩ, không tạm nhận [thành], sợ thêm khó, nhân cũng gượng dậy, nghe theo. Nhưng [lại] bàn [chỉ] do Bá nhận một mình, mà [cũng] cùng kí tên [thông] tư cho Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Chính [:Chánh] cùng các tỉnh láng giềng: Xem thế có thể thừa cơ được, nên làm [:đánh] ngay thì làm [:đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại. Và đem việc ấy nhận tội, tâu lên). Nhưng quân Pháp vẫn đóng giữ ở hành cung" (9).

Sau đó khoảng 3 tháng, hậu quả của sự kiện thất thủ thành Hà Nội lại được Thực lục chép rõ: "Tháng 5, vua sai bắt trói ngay quan tỉnh Hà Nội (tuần phủ Hoàng Hữu Xứng, bố chính Phan Văn Tuyển, án sát Tôn Thất Bá, đề đốc Lê Văn Trinh, chánh lãnh binh Hồ Như Phong, phó lãnh binh Nguyễn Đình Đường, Lê Trực) về kinh đợi án. Vua dụ rằng: Vừa rồi Hà Thành có việc, Hoàng Diệu quyết chí cố giữ, thà chết không hai lòng. Các quan chính nên cố sức làm việc đến chết, mới hợp nghĩa hiến thân cho nước. Thế mà hết lòng trung, chết vì tiết nghĩa, chỉ có một mình Hoàng Diệu. Bọn [quan võ] Lê Văn Trinh [, Hồ Như Phong, Nguyễn Đình Đường, Lê Trực] đều là quan to một tỉnh, sợ chết, tham sống, bỏ thành chạy trốn. Phan Văn Tuyển lại trốn trước, đến Sơn Tây, thì hèn nhát, không tài quá lắm. Hoàng Hữu Xứng tuy không ra khỏi thành nhưng không biết sống thác với thành. Tôn Thất Bá ra ngoài thành thương thuyết lại cùng với chúng dần dà trốn khéo. Quan giữ đất đai, gặp khi hoạn nạn, há nên như thế! [Tất cả] đều phải [bị] cách chức trước, trói giải ngay về kinh, xét rõ, để tỏ rõ phép luật. Còn quản suất giữ thành và quan phủ huyện, thông phán, kinh lịch giao cả cho đốc phủ mới xét rõ, tâu lên. (Sau đến năm Tự Đức thứ 36, tháng 11, nghị chuẩn cho Diệu được bày thờ ở Đền Trung Nghĩa. Bọn Xứng đều cách chức cho làm việc chuộc tội (sau đều cho khai phục), Tuyển phải cách chức về quê chịu sai dịch)" (10).

Xin nhấn mạnh: Thực lục thuộc kỉ Kiến Phúc, ở mục tháng 11 nguyệt lịch năm Quý mùi (1883), cũng ghi rõ như thế, với lí do "vì cớ lần ấy đường lối chiến hay hoà chưa xác định, tình hình diễn biến quá bất ngờ, việc phòng thủ có khó khăn, nên ra đặc ân giảm tội đến mức thấp nhất". Theo đó, Hoàng Hữu Xứng cùng với những viên quan đồng sự đều chỉ bị "phái đi hiệu lực", tức là chịu sai đi làm việc chuộc tội(11).

Đây là sự kiện mà sử sách hiện nay vẫn còn khắc hoạ ra hai Hoàng Hữu Xứng khác nhau. Một, theo cách của Ba Giai. Hai, ông vẫn giữ được khí tiết của một vị quan yêu nước (mắng giặc khi đã thua trận, sa cơ), có trách nhiệm, tuân thủ quân luật bấy giờ (không bỏ thành, tuyệt thực) nhưng biết linh hoạt ứng biến với tình hình (ông gửi thư cho Hoàng Tá Viêm: "xem thế có thể thừa cơ được, nên làm ngay [đánh Pháp ngay tại thành Hà Nội] thì làm [tức là cứ đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại [vì có ông trong thành, ông có thể bị đạn quân ta bắn trúng]"). Tuy vậy, Quốc sử quán vẫn chép lại nguyên văn lời dụ của vua Tự Đức với ngôn từ rất mực hoàng đế phong kiến, với dụng ý răn đe mọi quan quân khác, hơn là lời lẽ đúng mực của tập thể thẩm phán (triều nghị) (10 & 11).

II. Sau khi mất nước (7-1885): nhà soạn sách giữ được lòng yêu nước

1. Quyết giữ từng tấc đất Tổ quốc trong việc soan sách địa lí: Trong Thực lục, kỉ Đồng Khánh (1885-1888), có chép lại bản phàm lệ do chính bản thân Hoàng Hữu Xứng viết, với tư cách là đổng lí việc biên soạn "Đại Nam cương giới vựng biên". Trong đó, có đoạn thể hiện rõ ý thức giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc, kể cả những vùng đất bị Trung Hoa chiếm lấy dưới các triều Hồ và Mạc, đặc biệt là Nam Kỳ từ 1862, 1867: "Sáu tỉnh Nam Kỳ xin phải chép cả vào trong khoản chép tổng quát, và chép riêng biệt để cho còn danh hiệu" (12). Ông muốn lưu lại chứng cứ để về sau khôi phục lại chủ quyền, chứ không cam đành mất hẳn cho Trung Hoa và Pháp. Ngoài ra, trong sách về cương giới ấy, còn có một bản đồ. Có thể đó là bản đồ còn thiếu sót về chủ quyền biển, nhưng chúng ta phải hiểu ấy là quyền mặc nhiên, không nhất thiết phải khẳng định, nhất là trong điều kiện thế nước suy vi như vậy, thì mối quan tâm có khi không bao quát hết.

2. Trung thực trong quá trình biên soạn Thực lục với phương thức tập thể: Là một toản tu, rồi là phó tổng tài trong ba vị phó, dưới quyền của một tổng tài khác, thuộc tập thể sử quan vài ba chục người (các tập thể này trải quan nhiều thời kì, có thay đổi), Hoàng Hữu Xứng vẫn hiện diện trong Thực lục đúng mức như hành trạng thực trong đời làm quan của mình. Như đã nói, chính nhờ phương thức biên soạn tập thể, có bàn luận, tranh cãi, để đi đến nhất trí từng chi tiết, từng câu chữ khi biên soạn Thực lục, nên Thực lục có thể xứng đáng để được gọi là tín sử. Trong bài viết trước, tôi đã nghĩ rằng, giữa tài điều tra hình án (tài Bao Công), đức tính thanh liêm, năng lực học vấn, vai trò chứng nhân lịch sử với công việc ghi chép sử kí của Hoàng Hữu Xứng, hẳn có một mối quan hệ rất hữu cơ. Tôi cũng đã viết: Khi là nhà chép sử, mặc dù dưới bóng tối thực dân Pháp, ông vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần chống Pháp, chống Trung Hoa (nhà Thanh) và đặc biệt là tôn trọng sự thật lịch sử. Đến nay, hậu thế có thể đọc thấy cái tâm ấy bên trong, đằng sau những dòng chữ của Quốc sử quán triều Nguyễn thời Hoàng Hữu Xứng, mặc dù đó là công trình của nhiều tập thể sử quan trải qua nhiều thời kì, với phương thức làm việc nghiêm ngặt, cân nhắc từng câu chữ (đến mức không những thực dân Pháp, mà ngay cả hoàng thân, hoàng đế cũng bị phê phán nếu có hành vi sai trái). Nói cho cùng, Hoàng Hữu Xứng và Quốc sử quán ít nhất là đã có công lao to lớn trong việc ghi chép lại các bản dụ, cáo, bản án, tấu, sớ vốn có giá trị xác tín rất cao, cao nhất, trong công việc khảo chứng tư liệu lịch sử, mà không bộ sử nào có thể so sánh được. Đối với hậu thế chúng ta, dĩ nhiên, cũng cần có các thao tác xới lật cần thiết với quan điểm khoa học, dân tộc nhất khi sử dụng bộ sử kí ấy, đặc biệt là các kỉ ấy (13).

Trần Xuân An
9:50 -- 15:06, 22-02 HB11 (2011)

HOÀNG HỮU XỨNG (1831-1905)

Ông mắng giặc Tây và tuyệt thực
về kinh lầm lũi trước ngai rồng (1)
vận suy thế nước nhoà mê tỉnh
(giặc đánh, thép trui lẫn mật hồng!)

nước mất, Ông lặng thầm chép sử (2)
quản chi xuôi ngược, cứ gom đầy
muôn đời mặt nước là công lí
phun ngược đổ xuôi vẫn thẳng ngay

chống Pháp, Pháp đày, sử gọi giặc
nghìn sau hậu thế sẽ tôn vinh
(dăm đời nhân vật đành lem nhọ
sử thắt tâm Ông như cực hình!)

yêu sử, Ông đau thời khuyết sử
cam làm nghịch sử, khỏi hư không
nhưng ai đảo được cân công lí
Sử quán giữ tâm - tâm ẩn trong.

Trần Xuân An
14: - 15:45, 28-10 HB10

(1) Thất thủ thành Hà Nội lần 2 (1882). Xem "Đại Nam thực lục", kỉ Tự Đức. Bài thơ này chủ yếu viết về giai đoạn làm sử của Hoàng Hữu Xứng (và Quốc sử quán triều Nguyễn sau 1885).
(2) Hoàng Hữu Xứng, người làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, là phó tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn, khi làm "Đại Nam thực lục", kỉ Kiến Phúc. Đây là kỉ vẫn còn đậm tinh thần dân tộc, yêu nước, chống Pháp, mặc dù ít nhiều còn bị hạn chế. Kỉ này vượt trội và hơn hẳn so với kỉ Đồng Khánh thân Pháp.
(Bài thơ "Hoàng Hữu Xứng (1831-1905)", trích từ:
Trần Xuân An, "Thơ sử và những bài thơ khác", Nxb. Thanh Niên, 2011, tr. 51 & 79).

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2011

Tranh Tết Hứng dừa

Tranh Tết Hứng dừa
Nguyễn Dư
------------
(http://chimviet.free.fr/quehuong/nguyendu/nddg107_Hungdua.htm)

Tranh Tết của ta có từ bao giờ? Câu hỏi sao mà ngây ngô, cộc lốc. Lại còn... khó trả lời. Nhiều học giả cho biết tranh Tết có từ... nhiều mốc thời gian khác nhau. Người thì dựa vào ghi chép của sử, người thì ngắm kèo, cột của mấy ngôi chùa cổ, để đi đến kết luận là dân ta biết khắc gỗ, biết in kinh Phật, từ thời Lí. Biết khắc, biết in tức là... biết làm tranh mộc bản. Từ đó có thể suy ra rằng tranh dân gian, trong đó có cả tranh Tết, đã xuất hiện từ thế kỉ 11. Người khác lại cho rằng tranh dân gian đòi hỏi một số tiêu chuẩn của "hội hoạ" như nét vẽ phải đa dạng, khắc in phải tinh vi... Các tiêu chuẩn mĩ thuật và kĩ thuật này phải chờ đến đầu thế kỉ 15, ta mới đạt được. Thời Hồ Quý Li, nước ta mới làm được tiền giấy. Nghề làm tranh dân gian có thể được ra đời và phát triển từ đây.

Cái mốc đầu thế kỉ 15 được nhiều làng làm tranh xê dịch, đặt vào giữa thế kỉ 15. Các làng này thờ Lương Như Hộc (người tỉnh Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1442), người được công nhận là ông tổ của nghề làm tranh mộc bản. Gia phả của dòng họ Nguyễn Đăng ở Đông Hồ cho biết con cháu của dòng họ này nối tiếp nhau làm tranh dân gian từ hơn 500 năm nay. Đến nay đã được 20 đời (1).

Ghi chép và lí luận thì như vậy nhưng cụ thể thì... chúng ta không có trong tay một tấm tranh giấy nào có tuổi thọ được trên 200 năm. Theo Yves Laubie, thuộc Hội Truyền Giáo Paris thì tấm tranh cổ nhất của "hội hoạ Việt Nam" còn được lưu truyền đến ngày nay là tấm vẽ cảnh giáo sĩ và giáo dân bị chém tại Sơn Tây. Tranh được vẽ vào khoảng năm 1838, năm 1937 vẫn còn được treo tại phòng Thánh tử vì đạo của hội Hội Truyền Giáo Paris (2).

Bằng chứng cụ thể và chính xác nhất về tranh Tết mà chúng ta hiện có trong tay là bộ sưu tập Technique du peuple annamite (Kĩ thuật của người An Nam) của Henri Oger (3). Mấy tấm tranh , tranh Lợn, tranh Hứng dừa, ta quen gọi là tranh Tết Đông Hồ, đều nằm trong bộ sưu tập này. Tranh do một nhóm thợ và các ông Nguyễn Văn Đãng (người Hải Dương), Phạm Trọng Hải (người Hưng Yên), Nguyễn Văn Giai, Phạm Văn Tiêu vẽ và khắc in năm 1908-1909 tại Hà Nội. Tranh chỉ có nét đen, không tô màu. Dựa vào bằng chứng cụ thể này thì có thể khẳng định rằng tranh , tranh Lợn, tranh Hứng dừa... được ra đời tại Hà Nội, năm nay (Tân Mão, 2011) được 102 tuổi.

Tết về, khắp nước nhìn đâu cũng thấy hoa. Hoa tiền. Hoa hậu. Hoa liễu. Choáng váng, hoa cả mắt! Đề nghị bá quan văn võ tạm ngưng... chơi hoa. Chúng ta đi... chơi Tết. Cùng xem lại tấm tranh "nhạy cảm" Hứng dừa.

Hứng dừa của Oger vẽ một chàng trai trên cây dừa, đang hái quả thả xuống cho một cô gái đứng dưới đất. Cô gái vén váy lên hứng dừa. Cô gái đi chân đất. Dưới gốc dừa có một đứa bé đang leo cây, bị ông bố cởi trần ngăn lại. Hai bố con chân đi giày dép.

Đây là cảnh cha con phú ông sai người làm hái dừa.

Tranh có thơ nôm ở góc trên bên trái:

Khen ai khéo nặn nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi

Ba chữ nặn, đấy đây được viết bằng chữ hán nạn, đế đê.

Hứng dừa (1909) được đời sau sao chép nhiều lần. Chưa đến nỗi tam sao thất bản, nhưng cũng đã biến đổi, khó nhận ra nét... vẽ chữ nôm. Kết quả là Hứng dừa của sách Tranh, tượng dân gian Việt Nam (4), không giống Hứng dừa của sách Tranh dân gian Việt Nam (1), không giống Hứng dừa của "bàn tay vàng" Nguyễn Đăng Chế (tranh Đông Hồ, 1990).


Hứng dừa (Oger)


Hứng dừa (Nguyễn Đăng Chế)

Đối chiếu các tranh thì thấy vài điểm khác nhau :
- Tranh Oger đứng một phe. Tất cả các tranh khác đều vẽ ngược, phải thành trái, trái thành phải, so với tranh Oger. Điều này dễ giải thích : người ta đã vẽ lại tranh Oger trên ván, rồi khắc. Lúc in ra giấy, tranh trở thành ngược chiều với nguyên bản.

- Tranh sao chép có thêm một chùm 3 quả dừa.

- Câu thơ nôm được đổi thành :

Khen ai khéo dựng nên dừa
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi

Chữ dựng nghe rất hay, nhưng cũng rất khó đoán theo mặt chữ.

Thỉnh thoảng có người đọc sai thành Đây trèo đấy hứng (4). Đọc như vậy vừa sai mẹo đọc chữ nôm, vừa sai cả mẹo... tâm lí. Đây trèo đấy hứng là lời người con trai trên cây nói với người con gái dưới đất. Chữ hứng chỉ có một nghĩa là đón đỡ quả dừa đang rơi thôi. Người con trai chỉ biết tả chân. Chả có thêm tình ý gì cả. Sao mà vô duyên thế!

Đấy trèo đây hứng là lời người con gái nói với người con trai. Chữ hứng bỗng có thêm nghĩa thứ hai là... cơn hứng. Ngước nhìn anh trên cao mà em... hứng quá trời. Hứng kiểu này thì chỉ có chính đương sự mới biết, mới nói lên được. Em đang kín đáo thổ lộ với anh đấy! Nhạy cảm ra phết!

Câu thơ nặng trĩu chất trữ tình! Thâm thuý. Thú vị... chết đi được!

Tranh Hứng dừa được nhiều học giả phân tích, bình luận :

- Cái tình huống trong tranh "Hứng dừa" thật bất ngờ. Đôi trai gái đều duyên dáng, "hai mắt cùng nhìn, hai lòng cùng ưa", nhưng trong cách biểu đạt của cô gái, vừa có cái nhí nhảnh như múa, vừa có cái hớ hênh kéo thốc váy lên để "hứng dừa". (1)(tr.107).

- Ngắm tranh "Hứng dừa ", phải ở trong cái xã hội mà ức chế của tư tưởng nho giáo hết sức nặng nề, nó bắt "nam nữ thụ thụ bất thân", chiêm ngưỡng những nét và màu cứ phởn phơ, tươi rói, những động tác của cô gái có cái hớ hênh đáng yêu bộc lộ sự nhí nhảnh, hớn hở nhận hai trái dừa của chàng trai từ trên cây dừa thả xuống, ta mới thấm thía hết hai câu thơ ở góc trên bên trái tờ tranh (*):

Khen ai khéo dựng nên dừa,
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi

Một sự đòi hỏi giải phóng hạnh phúc lứa đôi, mà có lẽ người lao động chỉ tìm thấy ở xã hội trong tranh mới không nghiệt ngã (...).
(1) (tr.112).

- Tranh "Hứng dừa" vẽ một người lên cây dừa hái quả ném xuống cho người ở dưới dơ váy lên hứng quả dừa. Người ở dưới mải mê hứng quả dừa, đã không nghĩ rằng khi tốc váy lên thì để hở cả cơ đồ ra, và quả dừa chỉ là lợi nhỏ, hở cơ đồ của mình ra là hại lớn. (5).

Các học giả chỉ mải mê nhìn ngắm cái hớ hênh phơi bày, cái lợi nhỏ, cái hại lớn, mà quên mất cái hứng kín đáo, rạo rực của cô gái.

Xét cho cùng, có phải cô gái chỉ thấy cái lợi nhỏ mà quên mất cái hại lớn như Toan Ánh (5) nhận xét không? Của đáng tội, chàng trai ở trên cây thì có thấy "cái gì trăng trắng như con cúi" (Nguyễn Khuyến) dưới cái váy đâu mà lợi với hại. Có chăng thì chỉ có phú ông đứng gần được rửa mắt thôi. Thế thì hỏng chuyện rồi. Cô nàng nhắm đối tượng khác à? Cô đang ỡm ờ định "chơi trèo" với chủ chăng? Hi vọng rằng cô không ôm đồm tính nước đôi như vậy. Cô chỉ thấy đấy trèo làm cho đây hứng thôi.

Kẻ lắm điều có thể thắc mắc : vì nổi hứng cô gái mới tốc váy hay vì tốc váy mà cô thấy hứng? Câu hỏi khó như bài toán con gà và cái trứng. Chỉ có chính cô mới trả lời được.

Người xem tranh xin bái phục câu thơ dí dỏm, đa tình của nghệ nhân dân gian.



Leo dừa (Oger)


Trong như ngọc trắng như ngà (Durand)

Ngoài tranh Hứng dừa "nhạy cảm" của người lớn, sưu tập Oger còn có tranh Leo dừa hồn nhiên của trẻ con.

Leo dừa vẽ hai bé trai (?) hái dừa trên cây, hai bé gái dưới đất giơ tay hứng dừa. Ông bố đứng bên cạnh phe phẩy cái quạt, xem tụi nhỏ chơi đùa. Hai bé gái đều cởi trần. Một bé tốc cao váy, bé kia để tụt hẳn váy xuống đất. Trẻ con còn hồn nhiên, chưa biết thẹn.

Leo dừa cũng được đời sau, vào khoảng những năm 1925-1935, bắt chước, sửa đổi thành tranh Trong như ngọc, trắng như ngà (6).

Trong như ngọc, trắng như ngà có bố cục giống Leo dừa của Oger. Tranh vẽ hai cô gái (thay cho hai đứa bé con) tốc váy hứng dừa do hai chàng trai trên cây thả xuống. Xung quanh chỉ có một thằng bé con (thay cho ông bố) tay cầm một chùm dừa. Người vẽ muốn nói gì? Chẳng lẽ hai cô gái lại khoe ngọc ngà với thằng bé con? Hai chàng trai đầy nhựa sống đang ở trên cao, làm sao thấy được lối vào động đào? Hai cô gái muốn khoe của quý nhưng không gặp người sành điệu biết thưởng thức. Phí của trời!

Nguyễn Bá Lăng có nhận xét :

- Tranh "Hứng dừa" vẽ hai người đàn ông đóng khố leo cây hái trái ném xuống cho hai người đàn bà kéo váy ra đỡ. Tranh đề: "Trong như ngọc, trắng như ngà "để tả cùi dừa và nước dừa nhưng cũng còn ám chỉ đến da dẻ người đàn bà (7).

Durand đi xa hơn Nguyễn Bá Lăng, đưa ra nhận xét là mấy trái dừa lủng lẳng kia khiến người ta liên tưởng đến... ngọc hành, của quý của quý ông (Les noix de coco suggèrent les testicules d'homme) (6)! Gớm, sự táo bạo của Durand sao mà... to thế! Cứ đà tiến hoá này thì chả bao lâu cái của quý gia truyền (bijou de famille) kia sẽ... bùng nổ. Người Việt bẩm sinh vốn khiêm tốn. Thích những cái be bé xinh xinh. Được mân mê quả cam Bố Hạ là sướng rồi. Không dám mơ tưởng quả dừa to lớn của Durand.

Quả dừa được dân ta ví với một báu vật khác :

Con gái chơi với con giai,
Ngày sau cái vú bằng hai quả dừa.
Có chết thì chúng tôi đưa,
Bằng hai quả dừa cho trẻ nó chơi.

Thật ra thì Trong như ngọc, trắng như ngà chỉ là một ngộ nhận. Chẳng dính dáng gì đến cùi dừa, nước dừa hay ngọc hành. Trong như ngọc, trắng như ngà là lời Nguyễn Du ca tụng thân hình cô Kiều lúc tắm :

Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên

Nghệ nhân thấy hai đứa bé tụt váy, tốc váy của tranh Leo dừa cũng muốn đối cảnh sinh tình, bèn nhại lời cụ Nguyễn Du. Nhưng nhại... vô duyên. Thân hình của hai bé gái kia làm sao có thể ví với "một toà thiên nhiên" của cô Kiều? So sánh cô Kiều "vỗ bì bạch" với hai đứa bé chơi đùa tụt cả váy thì tủi cho cụ Nguyễn Du quá!

Tranh Trong như ngọc, trắng như ngà của Durand bắt chước tranh Leo dừa của Oger. Bắt chước một cách vụng về. Đổi trẻ con thành người lớn, bắt người lớn thành trẻ con. Đổi cái hồn nhiên thành cái gượng ép.

Bắt chước không khéo. Chơi chữ không đúng chỗ. Làm cho người xem tranh... bực cả mình ! Hết cả hứng với leo!

Nguyễn Dư
(Lyon, Tết Tân Mão, 2011)
----------------

(1) Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ, Tranh dân gian Việt Nam, Văn Hoá,1984, tr. 34.
(2) Yves Laubie, Réflexions sur l'imagerie populaire au Tonkin, Bulletins des Amis du Vieux Hue, 1-1937.tr. 79-92.

(3) Henri Oger, Technique du peuple annamite (Kĩ thuật của dân An Nam), 1909.

(4) Tranh, tượng dân gian Việt Nam, Nhà Xuất Bản Mỹ Thuật-Hà Nội, 1962, tr. 31.

(5) Toan Ánh, Làng xóm Việt Nam, Xuân Thu, tr. 409.

(6) Maurice Durand, Imagerie populaire vietnamienne, EFEO, Paris, 1960, tr. 6.

(7) Nguyễn Bá Lăng, Phong tục Tết Việt Nam và các lân bang, Đông Nam Á, 1986, tr. 201.


_______
(*) Tấm tranh được Nguyễn Bá Vân và Chu Quang Trứ phân tích chép hai câu thơ ở góc trên bên phải. Chỉ có tranh Oger mới chép ở bên trái.

Hoàng Hữu Xứng (1831-1905)

Hoàng Hữu Xứng (1831-1905), Hành trạng biên niên

Trần Xuân An
-------------------
( http://chimviet.free.fr/lichsu/tranxuanan/txa_hoanghuuxung.htm )
---------------------------------------------------------------------------------------------------
Thao tác lược khảo hành trạng của nhân vật lịch sử Hoảng Hữu Xứng, căn cứ chủ yếu vào "Đại Nam thực lục" (gọi tắt là Thực lục), rất dễ trùng lặp với người đã thực hiện trước, như nhà nghiên cứu Phan Thuận An với một bài lược khảo nhằm hình thành tiểu sử Hoàng Hữu Xứng, đã đăng ở Tạp chí Cửa Việt vào năm 1992 (số 17, tháng 10). Tuy vậy, tôi cố gắng bám sát tư liệu "Đại Nam thực lục" hơn, lại xen vào vài dòng bình luận để làm rõ, và khi cần thiết, tôi đã trích dẫn nguyên văn từ Thực lục. Từ quá trình thực hiện thao tác lược khảo ấy, cuối cùng tôi mạnh dạn đưa ra nhận định khái quát về Hoàng Hữu Xứng, không chỉ với góc độ ông là một nhân vật lịch sử mà còn chú trọng đến công việc biên soạn sử kí của ông - Hoàng Hữu Xứng với tư cách là phó tổng tài Quốc sử quán triều Nguyễn (từ 1887 đến 1900).
---------------------------------------------------------------------------------- TXA. -----------------


Sách sử về các nhà khoa bảng triều Nguyễn đã ghi lại:
"Hoàng Hữu Xứng
(cha con, anh em cùng thi đậu)
Người xã Bích Khê, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị; cha hoàng giáp Hoàng Hữu Bính (*); anh Hoàng Hữu Bỉnh"
(1).

Đó là một trong 22 sĩ tử đỗ cử nhân khoa thi hương năm Nhâm tí 1852.

Đồng thời, sách ấy còn cho hậu thế biết, lúc cuốn sách đang được tu chỉnh, bổ sung, Hoàng Hữu Xứng "hiện làm tham tri, gia hàm thượng thư sung toản tu Sử quán, giảng quan toà Kinh diên" (1).

Về hành trạng Hoàng Hữu Xứng, sách Thực lục (2) còn ghi được những nét chính. Từ những nét chính này, có thể thấy được trọn vẹn cuộc đời ông.

Vào tháng 10 nguyệt lịch năm Tân Dậu (1861), mặc dù mới được bổ nhiệm chỉ bốn tháng, thụ huấn đạo quyền tri huyện Tuy Viễn Hoàng Hữu Xứng cùng với đồng sự và các quan tỉnh Bình Định được triều đình khen thưởng bằng ngân tiền "Triệu dân" , do công lao bắt được viên đạo trưởng người Tây dương, xâm nhập trái phép, tên là Y-ty-Anh, cùng bốn đạo trưởng người nước ta và số người theo một loại tôn giáo mà triều đình đang cấm vì an ninh của đất nước cũng như của vương triều (3). Sau đó, ông còn tỏ ra có tài điều tra hình sự, được các quan tỉnh và Bộ Hình đánh giá là xuất sắc, tâu xin thăng chức vượt cấp cho ông. Tháng 3 nguyệt lịch năm Nhâm tuất (1862), Hoàng Hữu Xứng được bổ làm tri huyện Hà Đông (nay là Tam Kỳ), thuộc tỉnh Quảng Nam.

Đến tháng 5 nguyệt lịch năm Kỉ tị (1869), biện lí Hoàng Hữu Xứng là một trong số ít quan chức Bộ Binh được nhận xét là đảm đương khối lượng công việc nhiều, nhưng vẫn rất nhanh chóng, tinh tường. Ông được vua Tự Đức khen ngợi, ban cho một đồng kim tiền "Viết huệ" và bảo thêm rằng, khi việc được yên, sẽ thăng thưởng rất hậu (4).

Nhưng đến tháng 2 nguyệt lịch năm Quý dậu (1873), khi Hoàng Hữu Xứng đang giữ chức bố chánh tỉnh Thanh Hoá, thì bọn phỉ Tàu (vốn ở Trung Hoa tràn sang, tranh chiếm đất đai nước ta để xưng hùng xưng bá) lại từ tỉnh Hưng Hoá kéo vào huyện Trình Cố, các xứ Quan Hoá, Cẩm Thuỷ thuộc tỉnh do ông quản lí. Lần này, ông cùng đồng sự bị giáng 2 cấp, cho lưu lại làm việc. Trong khi đó, Tôn Thất Tĩnh bị giáng 3 cấp, Nguyễn Giản bị giáng đến 4 cấp. Thậm chí các quan thuộc tỉnh Thanh Hoá, kể cả các quan dự bàn (tham mưu), còn bị vua Tự Đức khiển trách theo ngôn ngữ của bậc hoàng đế bấy giờ: "Trước phái đi đánh dẹp, chưa thấy có tình trạng gì khó, bèn thác là lương hết, quân tan, đều đem quân rút về quân thứ, thực là hèn nhát quá lắm" (5).

Tháng 6 nguyệt lịch năm Giáp tuất (1874), Hoàng Hữu Xứng vẫn đang còn làm bố chính ở Thanh Hoá. Nhà thơ tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến bấy giờ cũng là án sát và Tôn Thất Tĩnh là hộ đốc. Đó là thời điểm cuộc tương tàn lương - giáo diễn ra ở các tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình. Các quan tỉnh Thanh Hoá "cho là bọn giặc từ địa giới Nghệ An lan tràn đến gần, hạt ấy là quê hương nhà vua, nên phải phòng bị nghiêm ngặt, tư báo quân thứ Bắc Kỳ cho vũ sinh tỉnh ấy về (nguyên trước trích phái đi theo làm việc bắt giặc ở quân thứ Thái Nguyên) và bàn uỷ biền binh tiếp viện đánh dẹp" (6). Tôn Thất Thuyết nhận được tờ tư của các quan tỉnh Thanh Hoá, bèn bàn với Hoàng Tá Viêm, và kéo quân vào, đánh dẹp theo sách lược tạm thời "ngọc đá đều cháy" (7). Việc đánh dẹp không những lực lượng "dữu dân" của các cố đạo Pháp mà còn cả lực lượng "sát tả" do Trần Tấn, Đặng Như Mai lãnh đạo là cả một bi kịch lịch sử của triều Nguyễn và dân tộc ta!

Trong thời gian Hoàng Hữu Xứng làm quan ở Thanh Hoá, ông được tiếng là người thanh liêm. Chính Phạm Phú Thứ, vào tháng 4 nguyệt lịch năm Bính tí (1876), khi đi ngang qua Thanh Hoá cũng nghe tiếng tốt ấy. Ông "nghe người nói Đức Trạch ở chức mới một năm mà túi làm quan hơn số thu vào của bố chánh Hoàng Hữu Xứng mười năm" (8).

Sau một thời gian nhậm chức tả thị lang Bộ Lại, vào tháng 5 nguyệt lịch năm Đinh sửu (1877), Hoàng Hữu Xứng được vua Tự Đức chuẩn y cho ông kiêm coi Viện Đô sát tại Huế (9). Việc ông được kiêm nhiệm quản lí Viện Đô sát là do ông đặc biệt có tài điều tra các vụ án. Tài năng ấy đã thể hiện ngay ở bước đầu làm quan (1862). Vào thời đoạn này, vụ án Nguyễn Chính Tâm ở Bình Thuận cùng với quan khoa đạo lại hút thuốc phiện và ăn của đút là Tạ Ngọc Đường lại được Hoàng Hữu Xứng làm rõ, và án đã được định. Tháng 10 nguyệt lịch năm Kỉ mão (1879), "Hữu Xứng vì tra ra sự thực án ấy, và các án xét đều thấy đúng hẹn, được thưởng gia một cấp, kỉ lục sáu thứ" (10).

Tháng giêng nguyệt lịch năm Canh thìn (1880), Hoàng Hữu Xứng được thăng tuần phủ Hà Nội. Cùng một dịp với ông, Hoàng Diệu được thăng tổng đốc Hà - Ninh (Hà Nội - Ninh Bình). Thực lục cũng ghi chép: Khi hai vị quan mới này nhậm chức, tổng đốc cũ là Trần Đình Túc vẫn còn ở lại nhiệm sở để cố vấn trong một thời gian (11), vì đó vốn là vùng đất "nhạy cảm".

Tháng hai nguyệt lịch năm Nhâm ngọ (1882) là thời điểm thực dân Pháp lại một lần nữa gây hấn tại Bắc Kỳ. Trước tình hình đó, tổng đốc Hoàng Diệu, tuần phủ Hoàng Hữu Xứng cùng quan tỉnh Sơn Tây là Nguyễn Đình Nhuận cùng nhau họp bàn, viết bản tấu kính gửi vào triều đình tại Huế. Ý chính của bản tấu là dự phòng để đánh trả giặc Pháp, cụ thể là phải tăng cường quân binh, đồn luỹ, súng đạn ở các tỉnh thượng du để giữ trung châu Bắc Kỳ. Bởi lẽ, Pháp mạnh về đường sông, đường biển nhờ tàu thuỷ, còn tác chiến ở vùng núi non hiểm trở, chúng lại yếu kém, nên một khi chúng thấy ta tăng cường ở thượng du, giữ trung châu như thế, chúng sẽ không dám động đến ta. Bản tấu còn xin cho Hoàng Tá Viêm đóng ở hạt Sơn Tây, để cùng các quan tỉnh, quan đạo, quan sơn phòng trấn giữ, chiến đấu. Bản tấu này được vua Tự Đức chuẩn y sau khi đình nghị(12).

Tháng 3 nguyệt lịch năm Nhâm ngọ (1882), cùng với tuần vũ Hoàng Hữu Xứng, án sát Tôn Thất Bá và tổng đốc Hà - Ninh Hoàng Diệu, Hà Nội trở thành điểm nóng của cả nước. Đó là những nhân vật chính của sự kiện thất thủ thành Hà Nội lần thứ hai. Sự thật đó đã được ghi chép lại trong Thực lục . Về Hoàng Hữu Xứng, ông "bị phái viên nước Pháp bắt giữ (Phái viên nước Pháp muốn lấy lễ độ dụ Xứng. Xứng không chịu khuất phục, chửi mắng hắn, cũng không bị giết. Rồi sai đem Xứng về dinh tuần phủ cũ giam lại). [...] (Lúc ấy, Xứng đã nhịn ăn thành ốm. Bá mời vào, Hữu Xứng lại [từ] chối ngay. Bá hai lần khóc, nói sự lợi, hại. Xứng lại nghĩ, không tạm nhận [thành], sợ thêm khó, nhân cũng gượng dậy, nghe theo. Nhưng [lại] bàn [chỉ] do Bá nhận một mình, mà [cũng] cùng kí tên [thông] tư cho Hoàng Tá Viêm, Nguyễn Chính [:Chánh] cùng các tỉnh láng giềng: Xem thế có thể thừa cơ được, nên làm [:đánh] ngay thì làm [:đánh], chớ lấy [việc] nhận thành làm ngại" (13).

Sau đó khoảng 3 tháng, hậu quả của sự kiện thất thủ thành Hà Nội cũng được Thực lục chép rõ, với bản dụ của vua Tự Đức. Chiếu theo quân luật bấy giờ, Tự Đức trách phạt các quan tuỳ theo mức độ ứng phó của từng người trong sự kiện, chỉ khen ngợi Hoàng Diệu đã tử tiết (14).

Nhưng kết luận cuối cùng về sự kiện ấy đã được triều nghị. Thực lục thuộc kỉ Kiến Phúc, ở mục tháng 11 nguyệt lịch năm Quý mùi (1883), đã ghi: "vì cớ lần ấy đường lối chiến hay hoà chưa xác định, tình hình diễn biến quá bất ngờ, việc phòng thủ có khó khăn, nên ra đặc ân giảm tội đến mức thấp nhất" . Theo đó, Hoàng Hữu Xứng cùng với những viên quan đồng sự đều chỉ bị "phái đi hiệu lực" , tức là chịu sai đi làm việc chuộc tội. Triều nghị cũng tôn vinh Hoàng Diệu (15).

Tháng 9 nguyệt lịch năm Ất dậu (1885), sau khi Đồng Khánh (nguỵ vương đầu tiên của triều Nguyễn) đã lên ngôi, Hoàng Hữu Xứng cùng với năm người khác phải sung làm nhật giảng quan ở nhà kinh diên (giảng dạy, tư vấn cho vua hằng ngày về kinh sách). Lê Trinh, một quan viên cùng quê Triệu Phong, cũng cùng ông làm việc này, nhưng với chức vụ triển thư (16).

Đến tháng 6 nguyệt lịch năm Bính tuất (1886), Hoàng Hữu Xứng, vốn đã được khai phục hàm quang lộc tự khanh lãnh chức vụ thị lang Bộ Lại, phải kiêm quản thêm Viện Đô sát (17). Đây là một công việc mà ông tỏ ra rất có năng lực, như quá trình hoạn lộ đã được ghi nhận.

Tháng 8 nguyệt lịch năm Bính tuất (1886), Hoàng Hữu Xứng gặp tang, xin phép nghỉ hai tháng để lo liệu, tại ngụ sở (kinh đô Huế) (18).

Tháng 9 nguyệt lịch năm Bính tuất (1886), Hoàng Hữu Xứng được đề cử làm đổng lí việc biên soạn sách về cương giới nước ta, vì ông là "người trầm tĩnh, học cũng hơi rộng". Và "tháng sau, vua chuẩn cho viên ấy đến Sở Tu thư ở Quốc sử quán" (19).
Tháng 11 nguyệt lịch cũng năm Bính tuất (1886), Hoàng Hữu Xứng viết xong bản phàm lệ, đề xuất tên sách là "Đại Nam cương giới vựng biên" , liền đệ tâu lên vua. Trong bản phàm lệ khá dài và khá chi tiết này, ông đã trình bày chủ đích, đối tượng khảo sát và phương pháp làm sách. Đặc biệt về đối tượng khảo sát, tức là xác định lãnh thổ, biên giới nước ta, ông không quên ghi chép rõ những vùng đất nước ta dưới triều nhà Hồ, nhà Mạc đã bị mất vào tay các triều đại Trung Hoa; và xứ Nam kỳ thuộc Pháp, ông cũng đề xuất cần phải ghi rõ nhưng kín kẽ: "sáu tỉnh Nam Kỳ xin phải chép cả vào trong khoản chép tổng quát, và chép riêng biệt để cho còn danh hiệu" (20). Bản phàm lệ cho thấy, Hoàng Hữu Xứng muốn lưu lại chứng cứ về lãnh thổ Đại Nam nhất thống cho hậu thế, chứ không chịu mất hẳn vào tay Trung Hoa và Pháp.

Đến tháng 4 nguyệt lịch năm Đinh hợi (1887), pho sách "Đại Nam cương giới vựng biên" đã được đổng lí Hoàng Hữu Xứng cùng đồng sự làm xong, gồm 7 quyển và một bức địa đồ. Ông được thăng thực thụ hàm thị lang Bộ Lại, thự tả tham tri (nguyên lãnh quang lộc tự khanh); các tuỳ phái cũng được gia thưởng. Sau đó, Hoàng Hữu Xứng sung chức toản tu ở Quốc sử quán(21).

Thực lục còn ghi lại rõ ở các phần đầu sách của kỉ Tự Đức, kỉ Kiến Phúc, Hoàng Hữu Xứng là phó tổng tài khi Quốc sử quán làm hai kỉ này(22).

Trên đây là những gì đã được ghi nhận trong "Quốc triều hương khoa lục" và các kỉ "Đại Nam thực lục chính biên" về nhân vật lịch sử và nhà chép sử Hoàng Hữu Xứng. Qua đó, hậu thế cũng đã có thể thấy rõ cuộc đời, hành trạng của ông, đặc biệt là cách biên soạn sử kí theo phương thức tập thể với cách thuật sự, giọng văn khách quan đến lạnh lùng của Quốc sử quán triều Nguyễn.

Dẫu vậy, hậu thế vẫn có thể đi đến những nhận định xác đáng: Khi đảm trách các chức vụ cai quản các địa phương từ cấp huyện đến cấp tỉnh hay các sự vụ ở triều đình, Hoàng Hữu Xứng là một vị quan nhiều năng lực, đặc biệt là tài Bao Công (23) điều tra hình án, thanh liêm, yêu nước, chống Pháp. Sau thời điểm nước ta hoàn toàn bị thực dân thống trị (05-7-1885, nhất là sau khi Đồng Khánh lên ngôi), khoảng chừng hơn một năm, ông là nhà biên soạn sách về lãnh thổ, cương giới đất nước. Ở chức trách này, mặc dù dưới nguỵ triều Đồng Khánh, ông vẫn kín đáo mà mạnh mẽ thể hiện lòng yêu quý, ý thức giữ gìn từng tấc đất của Tổ quốc ta, kể cả những vùng đất đã bị Trung Hoa và Pháp chiếm lấy. Khi là nhà chép sử, mặc dù dưới bóng tối thực dân Pháp, ông vẫn giữ được vẹn nguyên tinh thần chống Pháp, chống Trung Hoa (nhà Thanh) và đặc biệt là tôn trọng sự thật lịch sử. Đến nay, hậu thế có thể đọc thấy cái tâm ấy bên trong, đằng sau những dòng chữ của Quốc sử quán triều Nguyễn thời Hoàng Hữu Xứng, mặc dù đó là công trình của nhiều tập thể sử quan trải qua nhiều thời kì, với phương thức làm việc nghiêm ngặt, cân nhắc từng câu chữ (đến mức không những thực dân Pháp, mà ngay cả hoàng thân, hoàng đế cũng bị phê phán nếu có hành vi sai trái). Nói cho cùng, Hoàng Hữu Xứng và Quốc sử quán ít nhất là đã có công lao to lớn trong việc ghi chép lại các bản dụ, cáo, bản án, tấu, sớ vốn có giá trị xác tín rất cao, cao nhất, trong công việc khảo chứng tư liệu lịch sử, mà không bộ sử nào có thể so sánh được. Đối với hậu thế chúng ta, dĩ nhiên, cũng cần có các thao tác xới lật cần thiết với quan điểm khoa học, dân tộc nhất khi sử dụng bộ sử kí ấy, đặc biệt là các kỉ ấy (24).

Trần Xuân An

Khởi viết: 21:45, 16-02 HB11 (2011); viết xong: 16:22, 17-02 HB11
Chỉnh sửa: 20:30, 17-02 HB11
Chỉnh sửa lần cuối, sau khi đã viết bài thứ hai về đề tài này: 17:43, 23-02 HB11 (**)
---------------------------------
(*) Hoàng Hữu Bính tức Hoàng Bính hay Hoàng Hữu Tiếp - người dịch chú thích. Xem chú thích (1).
(1) Cao Xuân Dục, "Quốc triều hương khoa lục" , Nguyễn Thuý Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch, Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu, Nxb. TP.HCM., 1993, tr. 312.
(2) Quốc sử quán triều Nguyễn, "Đại Nam thực lục, chính biên" (ĐNTL.CB.), kỉ Tự Đức, kỉ Kiến Phúc và kỉ Đồng Khánh, bản dịch Viện Sử học, Nxb. KHXH., 1973-1976, 1976, 1977-1978.
(3) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 29, sđd., 1974, tr. 245 & 293. Vấn đề "cấm đạo", trước cưỡng ước Nhâm tuất 1862 (thật ra là mãi đến tháng 9-1885...), cần được khảo sát với quan điểm lịch sử - cụ thể. Thuở bấy giờ, ngoài ý thức bảo vệ an ninh đất nước trước sự xâm nhập trái phép, đó là ý chí bảo vệ văn hóa dân tộc Việt Nam, là sự khẳng định nền độc lập của Tổ quốc và của vương triều Nguyễn. Sự bảo vệ và khẳng định ấy là biểu hiện của tinh thần yêu nước trước hiểm họa ngoại xâm từ Phương Tây. Đó cũng là chủ trương không những của các nước Hồi giáo, mà còn của các nước Thần giáo, tam giáo (Nho - Lão - Phật) như Nhật Bản, Trung Quốc... Ngày nay, có thể có quan điểm này nọ khác xưa, nhưng thuở bấy giờ là như vậy. Hậu thế chúng ta, với tinh thần khoa học, không thể tránh né, cắt xén lịch sử, mà cần phải am hiểu đầy đủ tình hình bấy giờ, về một số giai đoạn Thiên Chúa giáo đã trở thành công cụ tâm linh - chính trị, tạo nội phản tại bản xứ do các nước thực dân như Pháp, Tây Ban Nha lợi dụng, và về tư tưởng, cách thức đối phó của tiền nhân thuở đó để cảm thông - niềm cảm thông trên nền tảng sự thật lịch sử.
(4) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 31, sđd., 1974, tr. 333.
(5) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 32, sđd., 1975, tr. 276.
(6) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 33, sđd., 1975, tr. 68-70.
(7) Xem: Trần Xuân An, ""Ngọc đá đều cháy", chủ trương tạm thời trong vụ trấn áp cuộc nội chiến lương - giáo ở Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình vào năm 1874" , Tạp chí Xưa & Nay trích đăng, số 284, tháng 5-2007, tr.42
(8) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 33, sđd., 1975, tr. 284.
(9) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 34, sđd., 1976, tr. 48.
(10) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 34, sđd., 1976, tr. 275-276.
(11) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 34, sđd., 1976, tr. 298.
(12) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 35, sđd., 1976, tr. 100-101.
(13) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 35, sđd., 1976, tr. 108-109.
(14) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 35, sđd., 1976, tr. 128.
(15) ĐNTL.CB., kỉ Kiến Phúc, tập 36, sđd., 1976, tr. 33.
(16) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 46.
(17) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 176.
(18) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 193.
(19) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 209.
(20) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 217-220.
(21) ĐNTL.CB., kỉ Đồng Khánh, tập 37, sđd., 1977, tr. 281.
(22) ĐNTL.CB., kỉ Tự Đức, tập 27, sđd., 1973, đặc biệt ở tr. 29; kỉ Kiến Phúc, tập 36, sđd., 1976, tr. 15-16. Có hai điểm cần lưu ý: 1) Bản phàm lệ kỉ Kiến Phúc, với sự phân định danh nghĩa "dấy quân cần vương", "khởi binh" hay "nghịch" (chép là nghĩa binh hay giặc , tuy cũng chỉ là người đó, việc đó), theo mốc thời gian là ngày mồng 1 tháng 10 năm Ất dậu (1885), đã định đoạt cả việc chép sử ở kỉ Đồng Khánh. Ngay ở kỉ Đồng Khánh (sđd., tr. 15-16), cũng đã chép lại đoạn phàm lệ ấy nguyên ở kỉ Kiến Phúc (đệ ngũ kỉ). 2) Mặc dù ở phần "Vâng sắc khai chép những tên và chức tước" của Quốc sử quán khi làm kỉ Kiến Phúc (tr. 16-17), chúng ta thấy Hoàng Hữu Xứng làm phó tổng tài thứ hai (dưới Nguyễn Thuật và trên Cao Xuân Dục), nhưng ở tập tâu về việc khắc xong bản gỗ (có nghĩa là đã in xong bản rập hay đã in xong thành sách lưu hành nội bộ), thì chỉ Cao Xuân Dục (vẫn tự xưng là phó tổng tài [thứ ba]), Ngô Huệ Liên và Trần Sĩ Trác (vẫn hai toản tu cao nhất) đứng tên ở tập tâu, mà không có tên Trương Quang Đản (tổng tài), Nguyễn Thuật và Hoàng Hữu Xứng (hai phó tổng tài thứ nhất, thứ hai). Như vậy, phải chăng về việc khắc in, Cao Xuân Dục là người chịu trách nhiệm chính?
(23) Giữa tài điều tra hình án (tài Bao Công), đức tính thanh liêm, năng lực học vấn, vai trò chứng nhân lịch sử với công việc ghi chép sử kí, hẳn có một mối quan hệ rất hữu cơ.
(24) Xem thêm: Trần Xuân An, "Thơ sử và những bài thơ khác" , tập thơ, trong đó có bài "Hoàng Hữu Xứng (1831-1905)" , Nxb. Thanh Niên, tháng 01-2011, tr. 51 & 79. Ngoài ra, trước đó, TXA. đã có nhiều trang, đoạn viết về nhân vật lịch sử này, qua các đầu sách về lịch sử đã xuất bản.
(**) Tác giả (TXA.) đã viết thêm bài khảo luận "Hoàng Hữu Xứng (1831-1905) và Thực lục" , 22-02-2011.


Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Khảo luận về nền học chính tại Nam Kỳ

Khảo luận về nền học chính tại Nam Kỳ (Etude sur l'instruction publique en Cochinchine )

Tác giả : E.Roucoules (20/10/1889)
---------------------------------
Người dịch : Lại Như Bằng
-------------------------
( http://chimviet.free.fr/giaoduc/lainhubang/lnb_hocchinhnamky_roucoules.htm )
(http://chimviet.free.fr/giaoduc/lainhubang/lnb_hocchinhnamky_roucoules/lnb_hocchinhnamky_roucoules.pdf)
--------------------------------------------------------------------------
[Lời người dịch (nd): Emile Roucoules từng là Giáo sư Cố vấn ( Professeur-conseil ), hiệu trưởng trường Trung học Chasseloup-Laubat ở Sài Gòn (1887, ...), phó chủ tịch Hội nghiên cứu Đông Dương (Société des Etudes Indo-Chinoises de Saigon) và của Ủy ban địa phương Hội Pháp-văn Liên-hiệp (Alliance Française). Bài này được Roucoules đọc tại buổi họp này 23/10/1889 của Hội nghiên cứu Đông Dương , và được trích từ : Bulletin de la Société des Etudes Indo-Chinoise de Saigon .- Année 1889 - 2e semestre / Séance du 23 octobre 1889 / Société des Etudes Indo-Chinoises de Saigon. Cám ơn chị Nguyễn Thị Chân Quỳnh và chị Bùi Thụy Đào Nguyên đã góp những ý kiến quý báu] *
-------------------------------------------------------------------------

Tổ chức nền học chính Nam kỳ trước thời chinh phục chính là tổ chức hiện nay tại phần nước An Nam do chúng ta bảo hộ [1]. Các ông Luro và Vial đã nghiên cứu vấn đề này qua nhiều tác phẩm được phổ biến rộng rãi. Trong tài liệu giản lược này, chúng ta chỉ lược qua mấy nét chính.

Thời đó, mỗi làng có một trường tư (école libre) có thể mở ra không cần xin phép và do một nhiêu-học [2] điều hành. Tại trường, học sinh học lễ giáo và văn học Trung quốc, các phép tính sơ đẳng và các loại chữ viết, gọi là chữ-nho và chữ-nôm, chữ-nho là chữ Trung quốc thực thụ, và chữ-nôm là chữ Trung quốc được dùng để phiên âm tiếng An Nam phổ thông (annamite vulgaire). Tại mỗi huyện [3] hay mỗi phủ có một trường trung học, chương trình học cũng giống như chương trình cấp một, nhưng nới rộng hơn.

Trường được giao cho công chức, hay giáo viên tư chịu sự kiểm tra của đại diện chính quyền. Đốc học điều hành trường phải có bằng tấn sĩ hay ít ra cũng tú tài. [4]

Các viên chức theo dõi kiểm tra họ là quan lại thuộc ngành học chính, thanh tra tỉnh, do nhà vua bổ nhiệm.

Thường thường ba tháng một lần, tất cả các trường học lại tổ chức luận văn (composition) theo lệnh quan tổng đốc. Sáu tháng một lần tổ chức sát hạch thi cử do viên chức được chỉ định tại mỗi tỉnh chủ tọa. Mục đích sát hạch là để giữ vững trình độ học vấn và lòng tôn kính văn học; cũng như để lựa chọn sĩ tử trong tỉnh gửi di dự các kỳ thi tú tài hay cử nhân, tổ chức mỗi ba năm.

Đề mục thi là một bài diễn giải kinh nghĩa (maxime) và một bài luận văn (composition littéraire). Học sinh trúng tuyển có thể được thâu nhận vào các trường đại tập tại kinh đô, được cấp dưỡng, theo học, nhắm mục đích tối hậu dành được bằng cấp tiến sĩ. Chắc cũng cần phải nhắc lại rằng những kẻ thi đỗ khi trở về quê quán sẽ được rất trọng vọng. Sau cùng, đỉnh cao của hệ thống này là Quốc tử giám (Académie nationale), đặt dưới quyền quan Thượng thư Bộ Lễ, với chức năng ghi chép biên niên sử (annales), điều hành ngành học chính.

Ở lớp cao, chương trình học chỉ quy vào văn học và lễ giáo Trung Quốc. Phép tính toán và khoa học bị loại bỏ. Quan lại nếu cần sẽ học các môn này ngoài vòng thi cử.

Việc học của hoàng tộc được tổ chức theo một hệ thống riêng.

Ngay khi đặt chân lên đất An Nam, để tiện việc truyền đạo, các giáo sĩ đã dùng chữ viết La-tinh ghi lại âm điệu tiếng nói bản xứ. Họ tạo ra chữ quốc ngữ và dựng trường học gần nhà cha sứ (presbytère) của họ.

Do đó ngày 17 tháng 2 năm 1859, khi đô đốc Rigault de Genouilly chiếm Sài Gòn, ông đã gặp sẵn tại chỗ một trường chủng viện và một trường học lấy tên trường Bá Đa Lộc (école d'Adran) do các giáo sĩ Hội truyền giáo nước ngoài (Missions étrangères) thành lập, Bá Đa Lộc là tên của vị giám mục tạo dựng ra trường .

Tại đây, dân bản xứ theo đạo Ca-tô học đọc và viết tiếng nói An Nam bằng chữ mẫu La-tinh; họ được học tiếng La-tinh đủ dùng để có thể giúp các giáo sĩ trong giáo sự, và ngay cả trở thành giáo sĩ bản xứ để truyền đạo Ki-tô. Người học đạo được học đôi ba chữ tiếng Pháp là chuyện hiếm.

Các đô đốc, tư lệnh tối cao quân đội viễn chinh, phải nhờ Hội truyền giáo để có những thông ngôn đầu tiên cho quân đội chiếm đóng. Trong giai đoạn chiến tranh chinh phục, các vị tư lệnh không thể nghĩ đến việc tổ chức giáo dục, và chỉ cấp một số học bổng, trích từ quỹ quân đội, cho hai trường để đào tạo những phụ tá cần thiết, những người, hầu hết, chỉ nói được một thứ tiếng La-tinh bập bẹ.

Năm 1861, đô đốc Bonnard tăng số học bổng cho trường Bá Đa Lộc .

Thí sinh vào ngạch thông ngôn phải qua một kỳ sát hạch do nghị định ngày 1 tháng 12 năm 1861 ấn định .

Vì nhân số thông ngôn bản xứ không đáp ứng nhu cầu, một trường dạy tiếng An Nam cho thông ngôn Pháp được thành lập tại Sài Gòn, những người này sau đó trở thành các giáo sư đầu tiên của trường. Nghị định ngày 8 tháng 5 năm 1862 của đô đốc Bonnard, ấn định quy chế của trường, theo đó trường sẽ phải đào tạo các thông ngôn gốc Âu xuất thân từ quân đội hay hải quân.

Sau chín tháng đào tạo, các học viên thông ngôn phải qua một kỳ thi tuyển, nếu đỗ sẽ được bổ nhiệm làm thông ngôn phụ (aide-interprète), còn không sẽ được trả về quân ngũ.

Trường học này tổ chức chủ yếu vì lý do hành chính, không có mục tiêu giáo dục.

Đào tạo chỉ nhắm vài người theo đạo Ca-tô, các trường học xưa đã bị đóng cửa từ hơn ba năm, dân bản xứ không còn phương tiện nào để trau dồi đời sống văn hóa, tinh thần cũng như đạo đức.

Đô đốc Bonnard, sau một năm tại chỗ, đã sáng suốt nhận định được những lợi ích có thể tạm thời rút ra từ hệ thống hành chính bản xứ cũ, cho khôi phục hệ thống này dưới quyền điều khiển của các sĩ quan quân đội chiếm đóng với chức vụ chánh tham biện (inspecteur des affaires indigènes) [5], và bao gồm việc tổ chức học chính (enseignement publique).

Nghị định ngày 31 tháng 3 năm 1863 tái lập lại cách phân phối trường học cũ và các chức đốc học, giáo thọ, huấn đạo, phân định cấp bậc: học sanh, tú tài, cử nhơn [6], thiết lập lại các khóa thi ba năm, khóa đầu tiên sẽ được tổ chức vào năm 1864, và bổ nhiệm, bên cạnh viên chức học chính bản xứ, các thông ngôn để dạy chữ quốc ngữ (chữ viết La-tinh áp dụng vào tiếng An Nam).

Thông thạo loại chữ viết này không bắt buộc, tuy nhiên trong các kỳ thi, ưu tiên vẫn được dành cho các thí sinh biết thứ chữ đó. Chi phí cho hệ thống tổ chức này được tài trợ, phần do lợi tức của tỉnh , phần do lợi tức hàng tổng.

Cách tổ chức này chỉ có thể dành cho những người bản xứ muốn tham dự các kỳ thi; nó không giúp bao nhiêu cho việc phổ biến thứ chữ viết bằng chữ mẫu Âu tây.

Ngày 18 tháng 7 năm 1864, đô đốc Lagrandière mở ra, tại các trung tâm tỉnh lị chính, các trường tiểu học dùng chữ mẫu Âu tây, và giao cho các thông ngôn, các thư ký đảm nhiệm dạy học, hai giờ mỗi ngày. Những người này được lãnh lương phụ trội thêm một franc mỗi ngày dạy học, và cứ mỗi học sinh biết đọc và biết viết thì được thưởng thêm 1 franc, 0,50 franc nếu chỉ biết đọc.

Tiền học miễn phí; sách vở dụng cụ thông thường do nhà nước cấp; trường học được đặt dưới sự kiểm soát của các thanh tra, và phí tổn quản trị hoàn toàn do ngân sách địa phương tài trợ (chương 1 điều 3).

Kết quả không phải chờ lâu, và sau Hội chợ Triển lãm năm 1866 tại Sài Gòn, nghị định ngày 21 tháng 3 trao tặng ba mươi hai bằng khen thưởng danh dự cho những học sinh có công trình được trưng bày, cùng với tiền thưởng từ 5 đến 15 francs.

Cách viết chữ theo Âu tây bắt đầu được biết tới phần nào, nhưng tiếng Pháp không vì thế mà được phổ biến. Đô đốc Lagrandière quyết định thành lập một trường Pháp tại Sài Gòn, giao cho các tu sĩ theo đạo Ki-tô điều hành, và với sự đồng thuận của Hội truyền giáo, được tổ chức ngay trong trường Bá-đa-lộc. Nghị định ngày 1 tháng 2 năm 1866 chỉ định Ông Jaime, cha bề trên, làm hiệu trưởng trường Pháp, và năm tu sĩ làm phụ tá.

Lương bổng được quy định trong ngân sách địa phương; số học bổng gia tăng; thể thức xin học bổng được quy định qua nghị định ngày 31 tháng 7 năm 1866.

Kể từ nay, việc dạy tiếng Pháp cho dân bản xứ bắt đầu bắt rễ tại thuộc địa; nhưng hoàn toàn nằm trong tay các nhà truyền giáo và tu sĩ đạo Ki-tô. Những vị này mau chóng mở thêm các trường khác tại các trung tâm tỉnh lị quan trọng nhất, Mỹ Tho, Chợ Lớn và Vĩnh Long. Học bổng thuộc địa được cấp cho mỗi trường; tiền tài trợ sách vở dụng cụ thông thường, tính mỗi đầu học sinh, được cấp 0,5 rồi 1 franc. (Các nghị định ngày 31 tháng 9 năm 1867, 6 tháng 11 năm 1868, 23 tháng 8 năm 1870, 28 tháng 4 năm 1871).

Trong năm năm, trường học do tu sĩ điều hành và được chính quyền thuộc địa tài trợ phát triển mạnh. Vào khoản thời gian đó, hội đồng tư vấn được thành lập để giúp ý kiến về các vấn đề giáo dục. Qua nghị quyết ngày 9 tháng 5 năm 1868 của hội đồng, trường chủng viện Sài Gòn sẽ dạy tiếng Pháp tại các lớp cao đẳng, do đó sẽ nhận mỗi năm một khoản tài trợ là 10 000 francs và việc điều hành quản trị và giáo dục của trường sẽ chịu sự kiểm tra của một ủy ban quản trị.

Qua nghị định ngày 13 tháng 5, bổ túc ngày 3 tháng 6, đô đốc Ohier cho thi hành nghị quyết trên và chỉ định một ủy ban gồm năm người trong đó chỉ có hai người của chính quyến không phải là tu sĩ. Ủy ban có trách nhiệm thanh tra chủng viện ít nhất ba tháng một lần, và phúc trình kết quả lên quan toàn quyền.

Kể từ ngày 28 tháng sáu, trường Bá đa lộc (collège d'Adran) được phép thu nhận học sinh trước đó đã bắt đầu theo học tại trường các tu sĩ dòng Seyne ( frères de la Seyne). Những học sinh này, được đào tạo để trong tương lai điều hành các trường học dưới quyền các bề trên của họ, lãnh mỗi ngày 1 franc tài trợ tiền chi phí ăn mặc. Trường La Sainte-Enfance, là trường duy nhất, từ ngày chiếm đóng, được giao phó dạy dỗ nữ sinh và đã được cấp nhiều học bổng, nay được tăng thêm một trăm học bổng. Hệ thống giáo dục bản xứ đã thành hình.

Cùng lúc đó, dân số người Âu tăng rất nhiều, các gia đình mỗi ngày một thêm đông. Hội đồng tỉnh , vừa được tổ chức lại năm 1867, trong một thỉnh cầu, xin mở một trường riêng phi tôn giáo (laïque) cho con em những người Âu. Đô đốc Lagrandière, ngày 10 tháng 2 năm 1868, ký một nghị định thành lập một trường học tỉnh (école municipale) [7] gồm học sinh ngoại trú, đặt dưới sự kiểm tra của Chánh nội vụ (Directeur de l'intérieur), và sự kiểm tra trực tiếp của chánh công an tỉnh (commissaire municipal). Đây là bước đầu của nền học chính phi tôn giáo (enseignement laïque).

Trường học có ba phân ban:

1-Trường tiểu học Âu châu (école primaire européenne) với một lớp sơ đẳng (cours élémentaire) miễn phí và một lớp cao đẳng (cours supérieur) có học phí. Chương trình học là chương trình các trường tiểu học tại Pháp, cộng thêm những khái niệm về lịch sử cổ đại và hiện đại, về khoa học tự nhiên (sciences naturelles). Cha mẹ học sinh các lớp cao đẳng có thể trả thêm tiền để cho con em học thêm ngoại ngữ, tiếng La-tinh, Hy-lạp , v.v...;

2-Trường thông ngôn Âu châu, trước đây mang tên trường trung học An Nam (collège annamite): Trường này tiếp tục điều hành như trước, nhưng được đặt dưới sự kiểm tra của hiệu trưởng trường học tỉnh (directeur de l'institution municipale) , vị này có trách nhiệm dạy tiếng Pháp cho học viên thông ngôn. Các học viên được thâu nhận không phân biệt quốc tịch;

3-Một trường cho những người thành niên (adulte) bản xứ. Mọi người sống tại địa phương (résident) [8] cũng như mọi người bản xứ có thể theo học. Trường cấp mười hai học bổng cho học viên ngoại trú. Chi phí trường được tài trợ , phần do ngân sách địa phương, phần do ngân sách tỉnh. Chính quyền cũng không quên quyền lợi quần chúng, cố gắng tối đa tìm cách thay chữ nho bằng chữ viết Âu. Đây là một tiến bộ thực sự, vào thời đó.

Hệ thống giáo dục khởi đầu năm 1864 mỗi ngày mỗi phát triển. Sắc lệnh ngày 22 tháng 3 năm 1867 giao cho ông Luro, chánh tham biện (inspecteur des affaires indigènes), thanh tra các trường tiểu học, đang nhanh chóng gia tăng số lượng, và mười lăm ngày sau (7 tháng 5), một sắc lệnh mới quy định một kỳ thi cho những người An Nam muốn vào ngạch giáo dục. Học viên có lương bổng , chia làm hai hạng, và sau một khoá thực tập được lĩnh chứng chỉ dạy học; áp dụng biện pháp chuyển tiếp, những người đương tại chức phải dự thi trong thời hạn hai tháng.

Chương trình rất đơn giản, cho học viên hạng nhì ( 2e classe ) chỉ gồm có biết đọc và viết chữ quốc ngữ, bốn phép tính và vài khái niệm đo lường. Cho hạng nhất ( 1e classe ) phải làm thêm một bài dịch..

Các trường cho người thành niên, với chương trình học gồm học viết với chữ mẫu Âu tây, học những khái niệm cơ bản của tiếng Pháp, lần lượt được mở ra tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Gò Công, Tân An, Rạch Giá, Cần Giuộc, Ích Thạnh (đô đốc Ohier 17 thàng 2 năm 1869), học sinh trường tiểu học có thể tham dự. Các trung tâm Long Hưng, Mỹ Thuận, Cù lao Mây , Bò Hút, v.v... [9] cũng mở trường tương tự trong tháng 11 cùng năm.

Có trường dĩ nhiên cần phải có phương tiện điều hành. Ngày 5 tháng 6 năm 1868, một ủy ban do Đức Ông Miche chủ toạ, trong đó có Ông Philastre đại diện chính quyền và là người duy nhất không phải tu sĩ, được thành lập với chức năng soạn thảo một quyển văn phạm và một quyển từ điển giúp học sinh học tiếng Pháp. Việc soạn thảo đã khởi công, và ngày 25 tháng 9 năm 1869 Ông Poteaux, thông ngôn hạng nhất, được giao phó độc quyền phổ biến sách cho các trường bản xứ.

Trước đó một tháng, để khuyến khích tinh thần thi đua giữa các trường học, chính quyến quyết định tổ chức ba tháng một lần, trong mỗi sở tham biện (inspection), một kỳ thi giữa học sinh trường tiểu học và học sinh các trường đạo. Các giải thưởng bằng tiền bạc được trao cho những học sinh giỏi nhất. Phần thưởng được tăng gấp đôi nếu người lãnh thưởng có thể dịch một bài tiếng An Nam sang tiếng Pháp và ngược lại.

Đó là tình trạng nền học chính tại Nam Kỳ cho tới cuối năm 1870. Năm 1871, Sau khi chính phủ cộng hòa được thành lập , và hòa bình trở lại [tại Pháp] [10], guồng máy hành chính và học chính tại Nam kỳ có xu hướng tự do chủ nghĩa hơn (libéral). Chính quyền địa phương không muốn lệ thuộc vào hệ thống giáo dục của giáo hội nữa, muốn tự mình tuyển chọn và đào tạo giáo viên. Hệ thống học chính phi tôn giáo bắt đầu triển khai.

Ngày 10 tháng 7 năm 1871, đô đốc Dupré lấy ba quyết định quan trọng. Ông thành lập một trường sư phạm thuộc địa. Một trường tiểu học được cho tùy thuộc trường này [11]. Hiệu trường và ba giáo sư phải có bằng cấp đại học, một bằng nghiệp vụ (brevet de capacité) hay chức vụ thông ngôn.

Ba người phụ giáo bản xứ là giáo viên tiểu học hạng nhất (instituteur de 1 ère classe). Hạn tuổi để thâu nhận vào trường là 16 tuổi tối thiểu , 25 tuổi tối đa. 60 học sinh của trường theo quy chế nội trú và hoàn toàn được chính quyền thuộc địa chu cấp nuôi dưỡng ăn mặc. Chùa Barbet [12] được giao cho trường làm cơ sở; mỗi thí sinh được nhận vào trường lãnh 25 franc làm chi phí nhập trường.

Cùng ngày, quan toàn quyền ký một nghị định thành lập một ủy ban với trách nhiệm soạn thảo chương trình học cho trường mới và soạn một quyển sách cho giáo viên. Một ủy ban kiểm tra cũng được thành lập, trong đó đại diện giáo hội chỉ gồm có một tu sĩ bề trên của các trường đạo.

Sau hết, cùng ngày hôm đó, các giáo viên được chia thành ba hạng; lương bổng cao hơn trước và cứ mỗi ngày dạy học giáo viên được thêm 1 franc. Ngược lại, trình độ thi tốt nghiệp được nâng lên khá cao, và chương trình thi nặng hơn (nghị định ngày 31 tháng 7 năm 1871). Hai bằng cấp bản xứ được quy định. Bằng sơ đẳng bắt buộc cho giáo viên hai hạng thấp , và bằng cao đẳng cho giáo viên hạng 1. Nhiều biện pháp, khích lệ và tài chính, được dành cho học viên của trường sư phạm mới mở ( 22 tháng 8 năm 1872) với sĩ số tăng thêm 20 người (1 tháng 10 năm 1872) , và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản trị trường, một phần ngân sách được ứng trước cho hiệu trưởng trường ( 3 tháng 5 năm 1873).

Tổ chức dạy tiếng Pháp chưa được chú trọng đồng đều cho dân chúng mọi địa hạt (arrondissement). Các thanh tra là những người đầu tiên lên tiếng báo động tình trạng này và xin cải tổ toàn bộ hệ thống. Dù hết lòng hết sức cố gắng, các thư ký và thông ngôn được chỉ định điều hành trường , vì quá nhiều việc, không thể chăm sóc đầy đủ cho học sinh. Ngày 13 tháng 1 năm 1873, để thống nhất tất cả các cơ cấu hiện hành, đô đốc Dupré chỉ định một ủy ban đặc biệt với trách nhiệm soạn thảo một đề án tổ chức hệ thống giáo dục cho Nam kỳ, nhất là cho các trường các tỉnh miền trong, chương trình học, sách học và phương pháp dạy áp dụng chung cho mọi trường.

Ủy ban đã bỏ thỉ giờ nghiên cứu đế án khá lâu, và phải chờ mưới tám tháng sau, ngày 17 tháng 11 năm 1874, đô đốc Dupré mới ký nghị định tổ chức lại toàn bộ hệ thống học chính . Nghị định công bố giáo dục công hoàn toàn miễn phí và tự do, được quy định bởi những điều lệ tổng quát hiện hành tại Pháp, được giao cho các giáo sư có đầy đủ điều kiện về chức vị, bằng cấp và bảo đảm khả năng theo điều luật năm 1850.

Nền học chính được đặt dưới quyền trực tiếp của Chánh nội vụ (Directeur de l'intérieur), và sự kiểm tra trường trại trong địa hạt thuộc trách nhiệm của viên chức cai trị hạt (administrateur).

Thêm váo đó, một ủy ban thường trực gồm đại diện chính quyền, đại diện trường công phi tôn giáo, và đại diện trường đạo, có nhiệm vụ theo dõi sự điều hành của hệ thống học chính , nghiên cứu cách cải thiện hay những sửa đổi cần thiết, và đề nghị lên cấp chính quyền cao hơn. Các trường học chữ nho tại các làng bị hủy bỏ, hay đúng hơn bị gom về các thị xã để biến thành các trường học chữ mẫu La-tinh. Tại sáu trung tâm thị xã lớn nhất Nam kỳ , Sài Gòn, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bến Tre và Sóc Trăng, mỗi nơi có một trường Pháp. Nhân viên các trường này gồm một hiệu trưởng người Pháp, nếu có thể có bằng cấp đại học, và biết nói tiếng An Nam, và các giáo viên biết nói tiếng Pháp.

Học sinh theo quy chế nội trú, phí tổn ăn mặc được chính quyền thuộc địa tài trợ 10 francs một người mỗi tháng. Trường có thể thu nhận, không giới hạn , các học sinh tự do ngoại trú. Một bản điều lệ giản lược được áp đặt cho các trường; nó quy định một hệ thống kỷ luật, một bảng danh dự , v.v... Sau ba năm học, học sinh phải qua một kỳ thi ra trường. Những học sinh trung bình, được công nhận đủ khả năng lãnh một chức vụ thấp trong cơ quan hành chánh, có thể được thu nhận vào làm việc , với lương bổng 360 francs một năm. Những học sinh xềp hạng cao tiếp tục theo học tại trường trung học bản xứ (collège indigène) được thành lập thay thế trường sư phạm bản xứ (école normale indigène). Trường này sẽ phải đón nhận 120 học sinh nội trú, có học bổng thuộc địa, mỗi người được lãnh 20 francs khi nhập trường, dành cho phí tổn ăn ở.

Nhân viên trường gồm một hiệu trưởng và nhiều giáo sư người Âu, và nhiều giáo viên bản xứ hạng nhất phụ tá. Chương trình học ba năm, mỗi cuối năm có một kỳ thi, ai không đủ sức thì bị đuổi. Chương trình dạy tiếng Pháp khá cao và nhắm luyện thi bằng cao đẳng tiểu học (brevet supérieur) là bằng bắt buộc phải có để làm việc trong hành chính hay ra dạy học.

Dù thành phần đại diện giáo hội khá đông trong ủy ban , nhưng các tu sĩ trong hội truyền giáo không thỏa mãn với giải pháp được đề ra, đưa đến tranh cãi gay gắt giữa họ và nhân viên chính quyền, và khiến thống sứ phải can thiệp.

Khoản chi phí dành cho giáo dục được ghi vào ngân sách 1875 là khoảng 200 000 francs (Số tiền này bao gồm hai học bổng cho trường Taberd, do giáo sĩ Kerlan của Hội truyền giáo điều hành. Học bổng này, lần đầu tiên được nói tới, dành cho con em công chức người Pháp).

Hai năm sau, trường trung học bản xứ rời sang cơ sở vừa được xây dựng và lấy tên là trường trung học Chasseloup-Laubat. Nghị định ngày 6 tháng 1 năm 1876 ấn định cho học sinh một số tiền nhập trường là 15 francs và mỗi tháng một số tiền tương tự để chi tiêu ăn mặc. Những biện pháp này đã nâng trình độ trường lên; khả năng nghề nghiệp nhân viên bản xứ cũng cần được nâng cao hơn và để khiến họ phải cố gắng đạt mục tiêu đó, một quy chế mới về xếp hạng, thăng cấp cần được quy định. Chức vụ giáo sư bản xứ được quy định (7 tháng 2 năm 1876), với những thể lệ thi cử mới. Những thể lệ thi cử này đòi hỏi một một kiến thức khá toàn diện, một cố gắng học hỏi nặng hơn, nhưng để đền bù người bản xứ được hưởng những quyền lợi tương xứng.

Thanh tra các trường học được giao cho một ủy viên cấp cao nha học chính. Vị này được miễn mọi bưu phí, thư từ và điện tín, cho các trao đổi liên quan đến nhiệm vụ này. Mỗi ba tháng, vị này phải nhận được các tài liệu phúc trình. Khởi đầu triển khai tổ chức tất cả mọi cơ cấu điều hành vật chất kỹ thuật liên quan đến trường học còn nằm trong tay các viên chức hành chính được giao lại cho thanh tra học chính.

Chẳng bao lâu, những biện pháp này không đáp ứng nổi nhu cầu tổ chức hành chính ngày mỗi nặng. Số học sinh của trường trung học gia tăng rất cao, các trường tiểu học do người Pháp điều hành cũng nhân lên theo tỷ lệ. Cần phải có những biện pháp mới. Vấn đề được đưa lên ủy ban cấp cao, và, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng , ủy ban trình lên Thống sứ chuẩn đô đốc Laffont một bản sơ thảo để ký , trở thành nghị định tổ chức (arrêté organique) 17 tháng 3 năm 1879. Nghị định này bắt đầu được áp dụng vào năm 1880, và , trừ vài sửa đổi nhỏ, quy định cho đến ngày hôm nay tổ chức học chính .

Hệ thống học chính được chia làm ba cấp, gần tương đương với hệ thống các trường sơ đẳng tiểu học, và các trường cao đẳng tiểu học với chương trình nới rộng. Ở cấp thứ nhất, chỉ có chương trình sơ học tiếng Pháp, nghĩa là sau ba năm học trẻ em phải nghe và viết được vài câu đơn giản, trả lời những câu hỏi thông thường bằng tiếng Pháp, đọc được một trang sách sơ đẳng, và biết bốn phép tính.

Cấp thứ hai nới rộng chương trình chủ yếu về tiếng Pháp, và các bộ môn áp dụng của số học và hình học.

Cuối cùng, cấp thứ ba nới rộng hơn nữa chương trình học tiếng Pháp và thêm các khái niệm cơ bản của khoa học vật lý, khoa toán và khoa học tự nhiên; trong chương trình không có sử học, ngay cả sử xứ Nam kỳ.

Khuôn khổ tổ chức (cadre), cấp bậc (hiérarchie), phương thức thăng chức của nhân viên Âu và bản xứ được quy định. Tổ chức học chính được giao cho một giám đốc nha học chính đặt dưới quyền quản trị của Chánh nội vụ, và nếu cần lấy một biện pháp nào thì phải trình lên một ủy ban thường trực cấp cao. Từ đây, nền giáo dục công bắt đầu phát triển. Các trường Pháp mỗi ngày một đông học sinh, phạm vi hoạt động của nhân viên mở rộng theo đà phát triển. Trường Trung học Mỹ Tho được thành lập qua nghị định của Ông Le Myre de Vilers (1880). Các trường tổng (écoles cantonales) được mở ra để phổ biến nhanh chóng chữ viết An Nam bằng mẫu chữ Pháp. Việc thanh tra các trường này được giao cho một viên chánh thông ngôn người Âu.

Các trường của tu sĩ đạo ki-tô, dù còn được chính quyền thuộc địa trợ giúp qua các học bổng cấp phát rộng rãi cho học sinh, vẫn theo nhau đóng cửa tại Mỹ Tho và Vĩnh Long (1881). Năm 1883, các tu sĩ từ bỏ luôn cả trường Trung học Bá đa lộc. Giáo dục thuộc địa cho trẻ em phái nam hoàn toàn trở nên phi tôn giáo (laïque) và việc thanh tra tất cả các trường được giao cho một nhân viên nhà nước người Âu đã qua một kỳ thi tốt nghiệp. Ba trường trung học cấp hai được đặt dưới quyền trực tiếp của giám đốc nha học chính, ba trường đạo giữ quy chế độc lập : trường Taberd tại Sài Gòn, các chủng viện tại Cù lao Giêng và Sài Gòn.

Cũng cần phải nhắc đến các trường sơ đẳng do Hội truyền giáo mở trong các giáo xứ, gần nơi cư trú của giáo sĩ. Trong các trường này, trẻ em chỉ học đọc và đọc kinh. Không đầy một phần mười học được dăm ba chữ tiếng Pháp. Trợ cấp cho trẻ em phái nam các trường đạo hầu hết bị bãi bỏ. Chỉ có học bổng cho học sinh trường Taberd còn được cấp, và phải đợi hai năm sau, để trả công cho trường đạo nhỏ các tỉnh phía trong, về việc truyền bá chữ viết theo chữ mẫu La-tinh, một số tiền trợ cấp khoảng từ 5000 tới 6000 francs được tái lập lại cho Hội truyền giáo.

Nền giáo dục thuộc địa phát triển; số học sinh ghi tên học tăng rất cao. Nhiều trường phụ được thiết lập bên cạnh ba trường trung học lớn. Thí sinh ghi tên thi các bằng cấp bản xứ càng ngày càng đông. Sự tăng trưởng này được khuyến khích qua những biện pháp hạ thấp trình độ thi cử và giới hạn tuổi, xu hướng chú trọng lượng hơn là phẩm. Cũng phải công nhận là việc phát triển hệ thống đường làng xã, các công ty độc quyền (régie), chính sách thuế trực thu (contributions directes) và những yêu cầu dồn dập của cơ quan hành chính Bắc kỳ, khiến phải đào tạo nhiều và nhanh. Trong năm 1884 và 1885, nhiều trường mới được giao cho người Âu.

Năm 1885, Tây Ninh và Gò Công có được trường ngoại trú. Năm 1886, Sa Đéc mở trường. Năm 1887, ba thanh tra thay phiên nhau đi các trường và số giáo sư Âu được định là 80 người. Con số này bị giảm đi ngay sau đó. Vào kỳ nhập học 1888, Thủ Đầu Một, Bà Rịa, Cần Thơ mở trường tiểu học do giáo sư Pháp điều hành.

Mỗi trường có khoảng một trăm học sinh, tám phần mười theo học chăm chỉ. hai trường khác, Châu Đốc và Cái Bè, được mở tháng 1 năm 1889, và hai trường nữa nằm trong dự án xây cất của ngân sách cùng năm. Dù có nhiều mò mẫm và do dự, việc truyền bá chữ Pháp phát triển trong chiếu hướng tốt. Kết quả có lẽ sẽ còn cao hơn rất nhiều nếu ngay từ đầu và trong thời gian vừa qua, kinh nghiệm hiểu biết về bản xứ được xem trọng trong công cuộc tổ chức hệ thống học chính. Đánh giá những biện pháp thời tạo dựng Đông Dương không phải là việc của chúng ta; chúng ta chỉ có thể liệt kê và nhận định các kết quả, đứng về mặt học chính.

Đầu tháng 1 năm 1888, nha học chính (direction de l'enseignement) bị bãi bỏ, quyền hạn của giám đốc được phân phối cho nhiều người, nhưng trong thực tế sự phân định không được rõ rệt chính xác.

Nghị định ngày 15 tháng 1 năm 1888 đặt các trường các tỉnh dưới quyền điều khiển trực tiếp của viên chức cai trị địa phương, và các trường trung học tại Sài Gòn dưới quyền Chánh thư ký (Secrétaire général) Nam kỳ. Ít lâu sau, một nghị định bổ nhiệm hiệu trưởng trường Chasseloup Laubat làm giáo sư-cố vấn (professeur conseil); sau cùng, một nghị định quy định tiền phụ cấp cho trưởng phòng 3 của cơ quan địa phương tổ chức việc học chính. Không có một tài liệu nào phối hợp tất cả các biện pháp kể trên, do đó nhiều điều luật chủ yếu của nghị định tổ chức ngày 17 thàng 5 năm 1879 xem như bị hủy bỏ.

Phòng 3 (3e bureau) điều hành hầu hết guồng máy tổ chức học chính, đề nghị thăng thưởng nhân viên và quyết định phân phối một phần những vật dụng thông thường; về mặt vật chất và hành chính như vậy tạm xem là hoàn tất.

Phần chuyên môn lẽ ra thuộc quyền hạn của giáo sư cố vấn (professeur-conseil). Nhưng những quyền hạn này chưa bao giờ được quy định rõ ràng, do đó viên chức này không thể lấy bất cứ một sáng kiến nào. Vị này không có quyền liên lạc trực tiếp với các giáo sư phái về các tỉnh, cũng như các viên chức cai trị hành chính. Quyền lực không đủ rõ rệt để được thông tin về những biện pháp được áp dụng tại các trường tỉnh, vị này không thể ra lệnh, và ngay cả cho ý kiến cố vấn về chuyên môn, cho các hiệu trưởng các trường. Ông ta chỉ có thể cho ý kiến khi chính quyền trung ương đưa ra câu hỏi. Ngoài ra, ông ta cũng còn trách nhiệm phân phối một phần các dụng cụ thông thường của nhà trường, đặc biệt là sách học. Chức vị thanh tra các trường đã bị bãi năm 1888, cùng lúc với chức vị giám đốc nha học chính.

Nghị định ngày 17 tháng 3 năm 1879 đã quy định một ủy ban cấp cao học chính. Thành phần ủy ban được quy định lại nhiều lần. Ủy ban do Chánh nội vụ (Directeur de l'intérieur) chủ tọa. Từ hơn hai năm nay ủy ban không được triệu tập.

Nhân số người Âu đã bị giảm nhiều đợt; thay vì 72 nhân viên, nhân số bây giờ chỉ còn 61, trong đó 21 đang nghỉ phép bên Pháp và 5 được biệt phái đi các cơ quan khác. Tất cả chỉ còn 34 nhân viên học chính lo điều hành và giảng dạy tại các trường thuộc địa. Việc điều hành học chính không còn được đảm bảo. Trong năm 1888 và 1889, các trường 200 học sinh chỉ được một giáo sư; các trường có hơn 200 học sinh chỉ được 2 giáo sư, và trường trung học Mỹ Tho, bao gồm cả trường phụ thuộc, chỉ có được một hiệu trưởng và 3 giáo sư. Hai trường do người Pháp điều hành phải chuyển lại cho giáo viên An Nam.

Các nhân viên phụ tá bản xứ tìm cách rời bỏ ngành học chính vì tình trạng thăng thưởng, trước đây vốn rất chậm và rất khó, giờ lại còn chậm hơn khi cấp trên trực tiếp và chuyên môn của họ, người có thể đề nghị việc thăng thưởng, có khả năng chuyên môn để bảo vệ quyền lợi họ, bị bãi chức. Họ tìm trong các cơ quan hành chính địa phương hay ở Bắc kỳ những công việc lương cao hơn. Những kẻ thành công tìm được đường ra đi không phải là những người yếu kém nhất, vì trong nghề nghiệp thông ngôn hay thư ký, họ là những người có nhiều khả năng giúp việc hơn là những kẻ tầm thường.


Hiệu trưởng các trường trung học hay tiểu học, không hướng dẫn chuyên môn, không thanh tra học chính, vẫn làm tròn nhiệm vụ và lôi cuốn được đông đảo học sinh tới trường.

Chương trình học không còn được rõ ràng chính xác nữa. Những chương trình quy định năm 1879, theo lẽ còn hiệu lực, đã bị bãi bỏ theo lệnh các giám đốc nha học chính vì các chương trình này bao gồm một phần đầu sơ học chủ yều dạy bằng chữ quốc ngữ, nhưng chúng cũng chưa dứt khoát được thay thế. Những chương trình do các giám đốc học chính soạn ra và được áp dụng khi các vị này còn tại chức, nay bị rơi vào quên lãng tại nhiều trường, vì chúng chưa bao giờ thực sự trở nên bắt buộc bằng biện pháp hành chính.

Gần đây, hiệu trưởng một trong những trường quan trọng đã nêu lên tình trạng này và có một điều chắc chắn là, dù có nhiệt tình, nhiều hiệu trưởng chỉ chú tâm lo cho các lớp đạt kết quả dễ thấy, bỏ bê các lớp khác, và như vậy đi ngược lại mục đích chính của giáo dục, hy sinh tương lai lâu dài cho kết quả nhất thời.

Nhắc đi nhắc lại tình trạng này chẳng được gì hơn, ai cũng thấy mọi điều bất lợi. Lần tìm ra manh mối đích thực chẳng khó khăn gì; vì, tuy tình trạng của nền học chính trước năm 1888 có vẻ tốt đẹp , điều chắc chắn là kết quả , dù xuất sắc về lượng, vẫn còn có thể tốt đẹp hơn nhiều. Những nguyên do chính của tình trạng này là vì việc điều hành học chính được giao cho hai nhân vật tên tuổi thuộc hai địa hạt chuyên môn khác xa nhau trong tổ chức hành chính tại Pháp, một vị của học chính cấp đại học, một của cấp tiểu học. Cả hai vị từ Pháp qua mang theo một chương trình soạn sẵn, không đếm xỉa gì đến bối cảnh sinh hoạt, phong tục tập quán, đến cá tính của người An Nam, đến nhu cầu của địa phương. Cả hai đã gặp nhau và đồng thuận cấm dùng tiếng bản xứ trong trường học, ngay cả cho trẻ em mới cắp sách đến trường.

Khó có thể tưởng tượng một giáo sư Pháp, không biết một chữ tiếng An Nam, bị buộc phải giảng dạy cho 40 hay 50 trẻ em không biết một chữ tiếng Pháp, lại còn cấm không được nhờ một ai làm trung gian trợ giúp. Phương thức này có thể giúp thu lượm được vài kết quả cá nhân hiếm hoi nhưng lại làm mất thì giờ cho cả lớp. Mục tiêu của giáo dục như vậy là thất bại.

Với hệ thống này, để cho số thí sinh không bị sút so với những năm trước, trình độ thi cử đã phải hạ thấp cho dễ hơn, và hậu quả là phải nhận cho đỗ bằng cao đẳng (brevet) những học sinh chỉ vừa xít xoát đủ sức làm bài luận văn trình độ năm thứ nhất lớp cao đẳng bản xứ.

Nhìn từ khía cạnh nào đi nữa, điều chắc chắn là nha học chính phải được thành lập lại và giao cho một người , vừa có khả năng chuyên môn, vừa có kinh nghiệm sống điạ phương, hiểu biết người An Nam, phong tục tập quán và cá tính của họ. Kinh nghiệm trên đã chứng minh rằng một vị giáo sư tu từ học (professeur de rhétorique) hay giáo sư đại học xuất sắc bên Pháp và một hiệu trưởng giỏi của trường sư phạm, không thể điều hành một cơ quan trong một xứ hoàn toàn khác biệt về phong tục và tiếng nói. Đó là kết luận của Hội đồng thuộc địa (Conseil colonial) và Ông Chánh thanh tra Bideault qua lần thanh tra thuộc địa cuối. Các cơ quan cấp cao của Chính quyền , thấy rõ tình trạng yếu kém của hệ thống học chính, trong khi chuẩn bị ngân sách, đã dự liệu bổ nhiệm lại một Giám đốc nha học chính.

Có lẽ cũng nên tái lập lại ủy ban cấp cao học chính và mời vào ủy ban các người đại diện chính quyền trung ương, đại diện chính quyền tỉnh, những nhân viên thuộc ngành giáo dục, những nhân vật tên tuổi người Pháp và vài cựu công chức bản xứ. Ủy ban này, gồm những người biết rõ nhu cầu bản xứ, có thể giúp ý kiến cho giám đốc nha học chính.

Ngay từ đầu, giám đốc nha học chính cũng như ủy ban cấp cao cần phải lưu tâm đến nền móng của hệ thống, là tổ chức các trường học gần các gia đình , tức là các trường hàng tổng (écoles cantonales). Được thành lập từ năm 1881, các trường hàng tổng đã phát triển mạnh về cơ sở vật chất nhưng về chuyên môn giáo dục vẫn còn chưa được chú trọng. Phải làm cho chúng trở nên thực sự là trường cấp 1 (1er degré) theo quy định của nghị định 1879.

Phải soạn cho các trường một chương trình học với mục đích truyền cho người bản xứ, qua ngôn ngữ của họ, những khái niệm cơ bản cần thiết để sống và tuân theo thể chế do mục tiêu đã được vạch ra và bắt họ phải theo từ ngày chiếm đóng, mục tiêu do nhà nước Cộng Hòa Pháp định ra: văn hóa của dân tộc bị thống trị và sự truyền bá của tư tưởng và tiếng Pháp. Chương trình này có thể sẽ phải như sau :

1. Tập đọc và tập viết ( quốc ngữ, và tập phát âm tiếng Pháp). Ám tả bằng chữ quốc ngữ. Giảng văn bằng chữ quốc ngữ, dịch những chữ thường dùng sang tiếng Pháp, các chữ đã dịch được đọc lên, rồi viết lên bảng và viết lại dưới hình thức ám tả;

2. Tính nhẩm bằng quốc ngữ, tập đếm bằng tiếng An Nam và bằng tiếng Pháp, các phép cộng, trừ, nhân, chia bằng tiếng An Nam và bằng tiếng Pháp. Khái niệm hệ thống đo lường mét bằng quốc ngữ và bằng tiếng Pháp, đo chiều dài, đo diện tích, đo khối lượng đơn giản bằng tiếng An Nam và bằng tiến Pháp. Các bài toán áp dụng , trình độ dễ. So sánh hệ thống đo lường bản xứ và hệ thống đo lường Pháp. Các bài tính lãi xuất đơn giản.

3. Khoa học tự nhiên trên những đề tài thực tiễn và phù hợp với bản xứ , bằng tiếng An Nam. Những chữ thường dùng quan trọng sẽ được dịch sang tiếng Pháp để cho trẻ em thu tập, chậm nhưng chắc chắn, một vốn từ ngữ rất thực tiễn.

4. Vài khái niệm về sử xứ An Nam

5. Địa dư xứ Đông Dương

6. Chữ Nho.

Thời gian học là 3 hay 4 năm, tùy theo tuổi trẻ em (từ 8 đến 12 tuổi).

Hiệu trưởng trường địa hạt (école d'arrondissement), luôn luôn phải là người Âu, sẽ thanh tra các trường này. Vị này lựa chọn trong số những học trò giỏi nhất thuộc lớp năm thứ 3 và năm thứ 4 của trường hàng tổng, để mỗi năm có thể lập thành lớp đầu tiên của trường Pháp tại thị xã của địa hạt, 20 tới 25 học sinh chẳng hạn. Những học sinh xem ra không đủ sức tiếp tục học lên phải đem trả về gia đình một khi đã biết đọc, biết viết, biết tính toán bằng tiếng bản xứ và có một vốn nhỏ các từ ngữ thực tiễn bằng tiếng Pháp.

Các trường cấp 1 này thuộc quyền quản trị trực tiếp của chánh tham biện (chef d'arrondissement). Hệ thống này đã được nhiều chánh tham biện tán thành; nó vẫn còn được áp dụng trong vài địa hạt , và nói chung cho đến ngày hôm nay không thấy cơ quan hành chính tỉnh có điều gì phiền trách.

Một mối lo duy nhất: đó là sức hiểu biết quá non nớt của số đông giáo viên trường hàng tổng. Lo như vậy có vẻ có căn cứ, chỉ vì ta cứ nghĩ trường hàng tổng hay trường làng phải là trường Pháp giống như các trường địa hạt. Thực ra, vẫn có thể tính rằng, trong giới hạn vai trò dành cho giáo viên trường hàng tổng, một giáo viên kém, được hướng dẫn khéo, được kiểm soát chặt chẽ và được thanh tra đều đặn có thể đạt được kết quả mong đợi.

Cao hơn các trường hàng tổng là trường địa hạt, được giao cho giáo sư người Pháp, như đã nói ở trên . Chương trình của các trường này phải là chương trình do nghị định 1879 quy định cho các trường cấp 2 (2e degré). Bàn vào chi tiết sợ quá dài trong khuôn khổ bài viết này, việc phân chia chương trình trong ba năm học là việc của giám đốc nha học chính và ủy ban cấp cao. Ngày nay, số học sinh các trường này đã giảm đi khá nhiều do hệ thống tổ chức và các biện pháp về giáo dục sơ học đã được nói tới ở trên. Hơn nữa, cấp học này kết thúc bằng một kỳ thi lấy chứng chỉ học lực (certificat d'études) .

Có lẽ cũng phải xét xem có nên đưa vào chương trình một số kiến thức sơ khởi của ngành học nghề và nghề nông . Tại xứ này, thành kiến với công việc tay chân còn sâu đậm hơn bên Âu châu và một học sinh khi bước chân ra khỏi làng là suy tính phải trở thành công chức và ngay cả cha mẹ cũng chỉ mong có vậy ; trở về để cày ruộng hay làm nghề tay chân là một cái nhục. Ngay từ tuổi ấu thơ, phải cho trẻ em hiểu rằng cuốc đất hay đục đẽo cũng chẳng hèn kém gì hơn cầm bút.

Hơn nữa , ta cũng có thể tìm hiểu rõ hơn năng khiếu của mỗi trẻ em vào cỡ tuổi 12 hay 13, và hướng dẫn chúng về một trong những ngành học nghề chuyên môn, hệ thống học nghề này có thể là kết cục hoàn mãn cho hệ thống giáo dục dịa phương của chúng ta.

Những ngành học này, tùy theo nhu cầu của ngân khố, có thể tập trung vào một cơ sở duy nhất, hoặc rải ra các trường trại chuyên môn khác nhau. Giải pháp thứ nhất có lẽ hay hơn, nhất là đứng về mặt ngân sách, vì nhiều ngành khác nhau có thể cùng học chung một số bài giảng, và có chung nhiều giáo sư. Các ngành nghề chuyên môn có thể là

1. lớp dạy kỹ thuật chuyên môn hay nghề nông,

2. lớp chuẩn bị cho ngành nghề giáo dục;

3. lớp chuẩn bị trở thành nhân viên hành chính tại Nam kỳ và ngay cả cho toàn cõi Đông Dương vốn sẽ còn cần sự trợ giúp của chúng ta về nhân sự trong thời gian khá lâu nữa.

Để đạt mục tiêu này, chỉ cần sửa đổi nhẹ bớt chương trình cấp 3 (3e degré) của nghị định 1879, và thí sinh phải qua một kỳ thi rất nghiêm túc. Số học viên được thu nhận phải rất giới hạn. Ủy ban cấp cao sẽ nghiên cứu trong chi tiết phương cách áp dụng dựa trên các đề án được trình lên sau này.

Có thể tổ chức ngay trong trường cấp 3 một phân ban đặc biệt cho con em người Pháp và trẻ em lai, giống như tại trường trung học Alger (lycée) và các trường trung học (collège) bên Algérie, Tunisie, Ấn độ v.v... Con em dân thuộc địa có thể theo học dễ dàng các lớp Pháp văn; chỉ có nhà ngủ, nhà ăn, phòng học là riêng rẽ. Chuyện này chẳng có gì để bàn cãi nhiều, vì thực ra đã được áp dụng tại thuộc địa, con em người Âu trước nay vẫn theo học trường Sài Gòn và trường Taberd trong đó đa số học sinh là người lai hay người An Nam. Những trường này lại còn được cơ quan hành chính sở tại tài trợ hậu hĩnh qua việc cấp học bổng. Với phương thức trên, học phí có thể bớt đi (nên nhớ - Một học bổng cho trẻ em lai tốn 720 francs nếu theo học tại trường Taberd, khoảng 250 francs tại trường trung học thuộc địa.)

Trong bài khảo luận nhỏ này, ta không thể đi quá sâu vào chi tiết; kinh nghiệm ngành học chính nhắc lại ở đầu bài giúp ta chuẩn bị tương lai; chính lịch sử và kinh nghiệm đã đưa đến hệ thống vừa được trình bày ngắn gọn ở trên. Hệ thống này có gây tốn kém hơn cho ngân sách hay không ? có lẽ không, và ngược lại chi phí có khả năng giảm đi vì số học bổng sẽ dần dà bớt đi. Hiện nay, số học bổng cấp cho sang Pháp hay cho theo học tại các trường công hay tư quá nhiều, tiền học bổng cho trẻ em chưa biết đọc ngang với tiền học bổng cho học sinh sắp ra trường, không khác biệt. Các lớp học sơ đẳng đã được đưa đến gần các gia đình, số học bổng sẽ giảm đi nhiều tại các trường địa hạt, đa số là trường ngoại trú.

Cũng cần lưu ý là học sinh các trường này không ở lại học lâu trong trường, và một phần lớn các chi tiêu sẽ không đưa đến kết quả mong đợi, rất nhiều học sinh rời trường ngay sau khi biết đọc, biết viết và biết đếm.

Nhân viên người Âu hiện nay đủ dùng về số lượng cũng như khả năng.

Nhân viên bản xứ, khéo hướng dẫn, sẽ giúp việc đắc lực, nhất là một khi ta cho họ , về mặt chức tước, lương bồng, thăng thưởng, những điều kiện in hệt với nhân viên hành chính trung ương hay các tỉnh.

Sài gòn ngày 20 tháng 10 / 1889
E. Roucoules Giáo sư-cố vấn
----------------------------
Lại Như Bằng dịch 13/07/2010


Chú thích của người dịch

[1] - Nam kỳ là thuộc địa của Pháp. Trung kỳ và Bắc kỳ trực thuộc Pháp theo chế độ bảo hộ.

[2] - Các chữ "nhiêu học, tấn sĩ, tú tài, chữ -nho, chữ-nôm, phủ, huyện, quốc ngữ" được viết trong bài bằng tiếng Việt.

[3] - Bên cạnh chữ arrondissement, Roucoules ghi chữ quốc ngữ "(huyện)", và bên cạnh chữ département, ghi là "(phủ)", tuy nhiên những chữ arrondissement trong bài sẽ xin dịch là "địa hạt" để phân biệt với các "huyện" thời trước.

[4] - Dưới triều Nguyễn, quan huyện phải có bằng cử nhân, hay tú tài nếu là người xuất sắc; quan phủ phải có bắng tiến sĩ, hay cử nhân xuất sắc.

[5] - a ) trích dịch: " Theo thông lệ, tại Nam Kỳ, các tỉnh vẫn được phân như thời còn chính quyền An Nam, nhưng tên tỉnh không còn bất kỳ một ý nghĩa hành chính đặc biệt nào . Tất cả mọi quyết định hành chính đều xuất phát từ Sài Gòn. (...)
Việc cai trị bản xứ được giao cho các chánh tham biện (inspecteur des affaires indigènes) và khu vực cai trị của chánh tham biện được gọi là "sở tham biện" (inspection)".
"L'usage a conservé à la Cochinchine française la division des provinces comme sous le régime annamite, mais cette désignation n'implique plus aucune administration spéciale ou particulière à chaque province.
L'administration émane tout entière de Saigon. (...) L'administration indigène est confiée à des inspecteurs des affaires indigènes. On donne le nom d'inspection à l'étendue du terrain qu'ils administrent. "

(Annuaire de la Cochinchine Française, năm 1871, page 126: ) Thí dụ : Tỉnh Sài Gòn (province de Saigon) bao gồm 7 sở tham biện (7 Inspections) : 1. Sài Gòn - 2. Chợ lớn - 3. Cần Giuộc - 4. Gò Công - 5. Tân An - 6. Tây Ninh - 7. Trảng Bàng b )
trích dịch: "Việc cai trị bản xứ được giao cho các chánh tham biện và khu vực cai trị của chánh tham biện được gọi là "địa hạt" ( arrondissement). " "L'administration indigène est confiée à des inspecteurs des affaires indigènes. On donne le nom d'arrondissement à l'étendue du terrain qu'ils administrent. "
(Annuaire de la Cochinchine Française, năm 1874 : page 139)
. Như vậy, sau năm 1871, người ta dùng từ arrondissement thay thế Inspection.
. Một Arrondissement bao gồm nhiều tổng (canton). Arrondissement Sài Gòn chia làm 17 tổng và 231 làng. Một địa hạt thời thuộc địa (arrondissement) có thể bao gồm nhiều huyện thời trước (tt). Hạt Sài Gòn (hay địa hạt Sài Gòn) gồm huyện Bình Dương (tt), huyện Bình Long (tt), huyện Ngay An (tt).
. Cho đến năm 1875, Nam Kỳ chia ra làm 6 tỉnh (province) như thời trước: Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên. Nhưng một tỉnh chỉ có tên gọi, không có thực chất hành chính.
. Kể từ 5 Janvier 1876, Nam Kỳ được phân lại thành 4 phân khu hành chính (circonscription): Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac. Khác với tỉnh, trước đây, một phân khu có thực chất hành chính. (Annuaire de la Cochinchine Française, 1879 Page 183)
. Nghị định ngày 20 tháng 12 1899 đổi các "arrondissement" (địa hạt) tại Nam Kỳ thành "province" (tỉnh).

[6] - Các chữ "đốc học, giáo thọ, huấn đạo, học sanh, tú tài, cử nhơn, tấn sĩ, quôc-ngữ" được viết trong bài bằng tiếng Việt. "Chữ quốc ngữ" còn được tác giả gọi là "chữ viết theo chữ mẫu Âu tây", "chữ viết La-tinh áp dụng vào tiếng An Nam"

[7] - được gọi là : " Institution municipale de Saigon "

[8] - Năm 1879, tại địa hạt Sài Gòn , thành phần sống tại địa phương ("résident") gồm có: Âu Châu (sống ngoài thành phố : 48, Trung quôc : 10 000, Tagals: 30, Mã Lai : 202, Malabares (Ấn) : 450, bản xứ : 232700, tổng cộng : 243 430 (Annuaire de la Cochinchine Française, năm 1879 : page 186)

[9] - Trong bài, tác giả viết tên các tỉnh không bỏ dấu : cantho, soctrang, gocong, tanan, Rachgia, Cangioc, Ich-Thanh, Long-nhung, My-thuan, Cu-lao-mai, bo-hut,
- Bò Hút, trong Aubaret còn viết là Bao Hot, dân gian gọi là Bàu Ót hay Bò Ót ( tên gốc Khmer, chỉ 1 một loại mắm), nay thuộc quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ (Tự vị tiếng nói miền Nam,Vương Hồng Sển, NXB Trẻ, TPHCM, 1999, tr. 75).
- Long-nhung, là Long Hưng (thuộc Bến Tre, Tự vị tiếng nói miền Nam, tr. 133).
- My-Thuan Mỹ Thuận (làng Mỹ Thuận (Cái Vồn), tổng An Trường, sau thuộc Cần Thơ. Trước 1897, nơi đây đã có trường học, sách trên, tr. 166).
- Cù lao Mai Cù lao Mây trên sông Hậu, ở khoảng giữa kể từ Cần Thơ xuống Kế Sách ( sách trên, tr. 247).
- Ích Thạnh : quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định xưa.
- Bắc Trang, xưa là một quận của Trà Vinh. Trước 1897, nơi đây đã có trường học ( Tự vị tiếng nói miền Nam. tr. 69 và 221).

[10] - Vào năm 1870, Hoàng đế Napoléon III (cháu gọi Napoléon I bằng bác) trị vì nước Pháp. Ngày 19 tháng 7 năm 1870, chiến tranh Pháp-Đức bùng nổ. Ngày 2 tháng 9 năm 1870, Thành Sedan thất thủ. Napoléon III, đang ở trong, thành bị bắt cầm tù.
Tại Paris, ngày 4 tháng 9 năm 1870, Quốc hội tuyền bố chấm dứt thể chế quân chủ, thành lập nền Cộng Hòa thứ III.
Ngày 19 tháng 9 năm1870, Paris bị vây hãm.
Ngày 19 tháng 1 năm 1871 , tướng Trochu, thủ tướng chính phủ lâm thời cố gắng phá vòng vậy nhưng thất bại. Trochu từ chức.
Ngày 28 tháng 1 năm 1871, Paris thất thủ.
Ngày 17 tháng 2 năm 1871, Thiers được bầu làm thủ tướng và ký hòa ước với Đức. Pháp mất vùng Alsace (ngoại trừ tỉnh Belfort), và một phần vùng Lorraine, và bồi thường cho Đức 5 tỷ Francs vàng.

[11] - trích dịch: " Nghị định ngày 25-2-1886 - Điều 3 : Một giáo viên, dưới quyền hiệu trưởng trường sư phạm, sẽ điều hành một trường tiểu học phụ thuộc gồm 50 học sinh ngoại trú. Trong trường này, các học viên sư phạm có thể thực tập dạy học. " "A.G. 25 février 1886 - Art 3 : Un instituteur dirigera, sous l'autorité du directeur de l'école normale, l'école primaire annexe et formée de 50 élèves externes, dans laquelle des élèves-maỵtres seront exercés à la pratique de l'enseignement." ( Répertoire Alphabétique de Législation et de Règlementation de la Cochinchine arrêté au Premier Janvier 1889 - Tome IV P. 519)

[12] - Chùa Barbet trước thời thuộc Pháp là Chùa Khải Tường. Chùa Khải Tường được xây dựng vào thế kỷ 18, thuộc ấp Tân Lộc, huyện Bình Dương, thành Gia Định (khu chợ Đũi, quận 3 ngày nay.) Năm 1859 quân Pháp tấn công Gia Định (Phó đô đốc Rigault de Genouilly chỉ huy), Pháp chia quân đóng rải rác tại Trường Thi, đền Hiển Trung (Pagode aux Mares) và các chùa: Khải Tường (Pagode Barbet), Kiểng Phước (Pagode des Clochetons), Cây Mai v.v... Riêng chùa Khải Tường, viên quan ba Pháp tên Barbet nhận nhiệm vụ dẫn quân vào chiếm giữ chùa, đuổi sư sãi đi. Khi ấy, quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương được triều đình cử vào Nam lập đại đồn Chí Hòa (người Pháp đọc là Kỳ Hòa) chống Pháp, và đêm 7 tháng 12 năm 1860, quân Việt phục kích giết chết Barbet. Sau này, trên nền chùa, Pháp cho xây cất một dinh thự dành cho quan chức trong bộ máy cai trị. Trước năm 1963, dinh thự được dùng làm Trường Đại học Y dược, và sau 1975, trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (số 28 Võ Văn Tần, quận 3, TpHCM ).

-----------------------------------------
Phụ lục- Những con số (trích dịch):
1 - Các trường học tại Nam Kỳ năm 1871
2 - Các trường học tại Nam Kỳ năm 1874
3 - Các trường học tại Nam Kỳ năm 1887
4 - Các trường học tại Nam Kỳ năm 1888
5 - Dân số Nam Kỳ năm 1887
6 - Các trường học tại Bắc Kỳ năm 1889
7 - Học Chính Nam Kỳ, nhân sự trong những năm 1871 - 1874 - 1887
8 - Học Chính Bắc Kỳ, nhân sự trong năm 1889

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Ước chi


Trời xanh biếc nắng trong như mật ngọt
Rót xuống trần gian một sắc vàng ươm
Những nụ hoa chúm chím hé môi xinh
Se sẽ gọi " Kìa mùa xuân vừa tới "

Khẽ dừng bước bên hoa chừng ngoảnh lại
Chợt nhớ mình đang đi giữa mùa xuân
Sao quấn khăn che mạng với đeo gương
Làn gió thoảng cũng ngại ngần né tránh

Tô màu phấn cành hồng đào trong trắng
Mimoza vàng rực cả góc vườn
Trên cành đang xây tổ ấm uyên ương
Chim chuyền mỏ trao nhau từng cọng lá

Nàng xuân vẫn hồn nhiên như vạn thuở
Mà thế gian vừa một cuộc bể dâu
Ước chi là mới chợp mắt ít lâu
Và ác mộng chỉ đâu trong phim truyện...

Quỳnh Chi
(29/3/2011)